(Baonghean) - Đền Quả Sơn nằm bên bờ Sông lam thuộc xã Bồi Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Đây là ngôi đền linh thiêng thờ Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ Công Uẩn, người mở đầu vương nghiệp nhà Lý.
Tương truyền, thuở thiếu thời ngài được nhà Vua và Hoàng hậu kèm cặp để sớm trở thành rường cột của nước nhà. Từ năm 1039 ngài được triều đình phái vào Nghệ An trông coi việc tô thuế và sau đó được chính thức bổ nhiệm làm Tri châu. Trong thời gian 16 năm từ năm 1039 đến 1055, dưới hai triều Thái Tông và Thánh Tông, Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phục hưng.
Ông đã lập công lớn đối với triều đình và nhân dân Xứ Nghệ. Tri nhậm một miền viễn biên lại là địa đầu phía nam của Đại Việt đầy thử thách, tuy nhiên Lý Nhật Quang vẫn giữ vững được bờ cõi, ban bố được chính lệnh, thu phục nhân tâm. Phát triển mạnh mẽ sản xuất, biến vùng biên ải thành căn cứ địa vững chắc phồn vinh, hậu thuẫn đáng tin cậy cho nhiều triều đại về sau.
Lý Nhật Quang mất năm 1058. Sau khi ông mất, nhân dân Xứ Nghệ đã xây dựng hàng chục ngôi đền để hương khói. Đền Quả Sơn tại xã Bồi Sơn là đền chính. Tưởng nhớ đến công ơn của ông, quanh năm nhân dân thập phương thường đến thắp hương tại ngôi đền Quả Sơn và nhất là đầu Xuân, nhân dân địa phương và du khách lại về dâng nén hương thơm để tưởng nhớ công đức của ông và cầu nguyện cho một năm mới tốt lành .
Hiện tại, kiến trúc của đền Quả Sơn còn khá khiêm tốn so với nguyên bản của ngôi đền trước đây. Theo sử sách, đền có kiến trúc đồ sộ với 7 toà, 40 gian và có cung điện. Để chứng minh điều này, hiện tại trong đền còn lưu giữ tảng đá làm chân cột và một đoạn cột gỗ từng được người dân đục rỗng để thay bồ chứa lúa gạo. Ngoài ra còn có các viên ngói hài thời Lý với kích thước 20 x 30 cm, các viên gạch rất dày bằng đất nung. Rồi các hoạ tiết, hoa văn trang trí bằng vật liệu rất nhẹ và cứng.
Không những thế, hiện nay đền Quả Sơn còn lưu giữ rất nhiều cổ vật, điển hình là chiếc lư hương, mũ đồng, 2 chiếc loa cổ bằng gỗ và bằng đồng để điều hành binh sỹ. Tượng đồng ChămPa và khay đựng trầu rất cổ. Và mới đây, trên vùng đất Bạch Ngọc thuộc xã Bồi Sơn, nhân dân đã đào được 1 hũ tiền bằng đồng với tên gọi là “Cổ càn Phù Nguyên Bảo” đúc vào năm 1042 và "Minh đạo Không Bảo" đúc vào năm 1043. Qua đó đã cho thấy ngay thời bấy giờ, Lý Nhật Quang rất quan tâm đến thương mại, dùng đồng tiền để giao thương.
Cổ vật đền Qủa Sơn còn rất nhiều và được giao cho những người tin cậy cất giữ rất cẩn mật. Ngoài cổ vật tại đền còn có nhiều cổ vật qúi như: 3 chiếc kiếm cổ bằng bạc, 1 bộ ấm chén bằng ngà voi,…
Ngoài cổ vật, điều quan trọng nhất của đền Quả Sơn là nơi thờ Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, người có mối quan hệ đặc biệt với triều đình thời Lý – mấu chốt quan trọng của nước Đại Việt. Trong thần phả đền Quả Sơn ghi: Sau chiến thắng Chiêm Thành vào năm 1044, trên đường về Nghệ An, vua Lý Thái Tổ đã để lại Đông Chinh Vương Lý Lực và Dực Thánh Vương (không rõ húy) ở lại phò tá cho Lý Nhật Quang. Đây là hai anh em cùng cha khác mẹ... Như vậy, triều đình nhà Lý thời bấy giờ đã để 3 Hoàng tử ở lại với nhân dân Nghệ An.
Gần 1.000 năm đã trôi qua, triều đại nối tiếp triều đại, thế hệ nối tiếp thế hệ luôn thành kính công đức của Lý Nhật Quang.
Về thăm đền Qủa Sơn, trong hương sắc của mùa xuân Kỷ Sửu, nhân dân Xứ Nghệ lại dâng lễ vật và hương thơm bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị Anh hùng thời dựng nước, thành hoàng của cả xứ, đồng thời cũng là người giúp nhân dân Nghệ An phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.
Tới đây, lễ hội đền Quả Sơn sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 21 tháng giêng. Và lễ hội này sẽ là lễ hội hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bài, ảnh: Lê Ngọc Phương