Về lai lịch một vị tướng được tôn vinh ở Đền Miệu ảnh 1

Đền Độc Lôi, còn gọi là Đền Miệu, thờ một vị tướng quân thời nhà Lý có công đánh giặc Tống và Chiêm Thành, Ai Lao. Đền được nhân dân lập để thờ ông khi ông đang sống. Để làm sáng rõ thêm công tích và sự nghiệp vị thần Độc Lôi, chúng tôi xin cung cấp một số tài liệu quý mới phát hiện được.

Tài liệu chữ Hán "Bách thần sự tích" (sự tích 100 vị thần) ở xứ Nghệ, trang 4, có ghi về đền thờ và vị thần Độc Lôi.Thần tích này được ghi chép vào cuối triều Nguyễn. Thần được thờ chính miếu ở Đền Miệu (dưới chân núi Độc Lôi). Người dân ở hai xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) và xã Trường Cát (nay là xã Nam Cát) cùng có trách nhiệm phụng thờ. Đền Độc Lôi bị bom Mỹ đánh tan, rất may một số đồ tế khí, tượng, được dân hai xã đưa về hai ngôi đền xã Nam Giang và Nam Cát để thờ. Đáng chú ý, trong các di vật còn lại ở "Chỉ Thiện đàn" (còn gọi là Đền Mĩ Thiện), còn lưu một số bản sắc phong cho vị thần Độc Lôi họ Phạm.

Qua các tài liệu trên, chúng ta chỉ biết thần núi Độc Lôi là Phạm Lãnh binh, tức Lãnh binh họ Phạm, chưa rõ tên thật của Thần, chức vụ của thần là Lãnh binh Phiếu Kị uý, Thượng tướng quân Uy liệt hầu. Thần rất linh thiêng, được sắc phong với nhiều mĩ tự, trợ hiệu để phù hộ cho nhân dân và bảo vệ quốc gia.

Rất may, gần đây có ông Trần Đại Sỹ, một người Việt đang sống ở nước ngoài, là đoàn viên, rồi Trưởng đoàn đoàn trao đổi Y học Pháp - Hoa, nhiều năm công tác tại Trung Quốc. Ông đã có công đi các thư viện lớn ở Trung Quốc để đọc các tài liệu sử học nước nhà, nhất là thời Lý chống Tống. Ông đã gặp hầu hết các gia đình có các nhân vật quan trọng liên quan đến cuộc chiến tranh Tống - Việt để xin đọc gia phả, tài liệu. Ông đã được đọc 2 cuốn nhật ký hành quân của 2 tướng Tổng chỉ huy cuộc xâm lăng Đại Việt (1076- 1077): Quách thị Nam chinh của Quách Quỳ và Triệu thị chinh tiễu Giao Chỉ ký của Triệu Tiết. Ông Nguyễn Bá Mão tóm lược lai lịch của vị thần Độc Lôi, được ghi chép trong các tài liệu do ông Trần Đại Sỹ cung cấp (đã đăng trong Tạp chí Văn hoá Nghệ An gần đây). Chúng tôi xin khái quát lại như sau:

Thần tên thật là Phạm Trọng Y (1052 -1077), chưa rõ quê quán (?). Cha là Phạm Trọng Khâm, mẹ là Quách Thị Phương. Ông mồ côi cha mẹ lúc 7 tuổi, được cậu đưa về nuôi và đổi tên là Quách Y. 10 tuổi cậu mất, ông bơ vơ phải đi ăn xin độ nhật tại Thăng Long. Ông kết thân làm anh em với 6 người khác cùng cảnh ngộ: Trần Di (Vũ Thư, Thái Bình), Dương Minh, Triều Thu (Cao Xá, Nghệ An), Mai Cầm (Vạn Phần, Nghệ An), Ngô Ức (Đường Lâm, Sơn Tây), Tạ Duy (An Lĩnh, Thanh Hoá). Họ được nhà sư Minh Không nhận làm đệ tử và gửi cho Hoàng tử Lý Chiêu Văn làm con nuôi. Họ được Vương Phụ Hoàng của Hoàng tử dạy cho văn võ song toàn. Họ tập luyện ở Hồ Tây và lặn giỏi như giao long. Họ lại được Ỷ Lan phu nhân Lê Thị Yến Loan nhận làm con nuôi và được giới thiệu tài năng với nhà vua. Vua đã ban cho họ mỹ hiệu là "Tây Hồ thất kiệt". Quách Quỳ ghi trong Quách Thị Nam chinh về 7 ông là "Giao Long thất quái" và sách Triệu Thị Chinh Tiễu Giao Chỉ ký lại gọi họ là "Giao Chỉ thất Long". "Tây Hồ Thất Kiệt" đã tập hợp được 500 thiếu niên cùng khổ, đem nuôi dạy họ thành đội quân có bản lĩnh, bơi lội dưới nước như rái cá, có tài thuỷ chiến. Vua Lý Thánh Tông đã ban cho họ mỹ hiệu "Giao Long Tây Hồ". Năm 1069, đội Giao Long theo 7 vị hộ tống Vua Lý Thánh Tông bình Chiêm, lập nhiều công trong các trận Nam Giới, Nhật Lệ, Thi Nại, Phan Rang. Trở về, 7 vị được phong tước bá, giữ chức Đô Thống, mỗi vị được chỉ huy hiệu Thiên Tử Bình. Phạm Trọng Y được giao chỉ huy hiệu Thiên Tử Bình Bổng Thánh. Ỷ Lan thần phi hỏi vợ cho 7 vị, hỏi cho Phạm Y tiểu thư Phạm Phương Tiên, con quan Kinh lược Ân và Sứ trấn Thanh Hoa Phạm Nhật Chiêu.

Một lần dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, Phạm Trọng Y cho quân dừng nghỉ ở Rú Miệu. Vùng Rú Miệu lúc ấy rừng rậm hoang vu, có nhiều thú dữ, ông đã cho quân dùng nỏ lớn mã não, hoàng thạch tiêu diệt hết đàn chó sói, cứu nạn cho dân. Dân biết ơn, đã lập đền thờ sống ông ở Rú Miệu.

Năm 1075, để chặn trước âm mưu cướp nước ta, Vua Lý đã cho quân vượt biên giới tấn công các châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch của nước Tống. "Tây Hồ Thất Kiệt" đã theo Lý Thường Kiệt Bắc chinh, lập được công lớn. Bảy vị cùng được phong Đại tướng quân tước hầu. Phạm Trọng Y được phong Minh uy Đại tướng quân, tước Minh Tâm hầu và vợ là Nhất phẩm phu nhân.

Năm 1076, bảy vị cùng quân sĩ đánh trả quân Tống những trận kinh thiên động địa ở trận tuyến sông Như Nguyệt, buộc quân địch phải rút lui. Cả 7 vị và phu nhân "Tây Hồ Thất Kiệt" đều hy sinh oanh liệt ngay tại trận tuyến!

Sau khi hết giặc, bảy vị được truy phong tước Đại Vương, các phu nhân được phong Quận chúa và được triều đình truyền lập đền thờ. Ông Phạm Trọng Y được truy phong Minh uy Lôi trấn Đại Vương và phu nhân được truy phong Trang Thanh Quận Chúa. Nhà vua cho lập đền thờ ông ở Rú Miệu và ban ruộng cho nhân dân địa phương để hương khói.

Đền Độc Lôi sơn thần Phạm Trọng Y bị san phẳng từ lâu, nhưng khu nền di tích còn lại phía trước bãi đá cũ và gần Cầu Miệu, cần được xây dựng lại để tôn vinh một nhân vật có công lao với dân tộc, đất nước. Ông Tổng Giám đốc hãng Bia Sài Gòn, chủ đầu tư Nhà máy bia Cầu Miệu, đã có dự định cho xây dựng lại Đền Miệu. Đấy là việc làm cần được ủng hộ!

Đào Tam Tỉnh - Thư viện Nghệ An