Cuối năm đi lễ Đền Cờn ảnh 1
 Lễ hội Đền Cờn

Đã từ lâu biết câu "Nhất Cờn, nhì Quả...", nhưng đến tận cuối năm Âm lịch này, tôi mới có dịp đi lễ Đền Cờn.

Gần 80 cây số tính từ Thành phố Vinh, chúng tôi đi qua những chặng đường đầy nắng vàng. Hai bên đường, nông dân vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu đang rộn mùa gieo cấy. Những luống đất phơi ải ngấu mùi sương giá. Những ruộng mạ lên xanh trốn rét trong tấm phủ nilon. Thảng hoặc, trong khóm cải lên ngồng có rập rờn bướm vàng, bướm trắng bay lên. Người dân Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) như đã mong chờ cơn nắng này sau trận gió mùa rét mướt, hào hứng mang cá biển ra phơi khô. Nghe trong không gian cái mặn mòi của muối, cái tanh nồng của tôm, cá...Nhưng tôi biết hương vị đặc trưng ấy luôn ấm áp trong lồng ngực những người con quê biển.

Qua cầu Đền Cờn (trước đây chưa có cầu, người dân thường phải qua đò và chính cây cầu này giúp cho Quỳnh Phương và một số xã ven biển khác không còn giống như ốc đảo biệt lập nữa), là tới đền chính (Đền Trong) thờ Tứ vị thánh nương. Thấy có " khách đường xa ", nhiều người dân ở quán hàng ven đền đã xôn xao chào mời và "tiếp thị"... một số sản phẩm vùng biển. Đã thấy lác đác những quán hàng giải trí quanh khu vực đền. Ngoài kia, dòng Mai Giang thật hiền hoà, xanh trong, ầm ì tiếng tàu máy chạy qua chở than. Sân đền, trầm ngâm những bông đại trắng còn đang búp. Đôi ba khách lạ tò mò về buồng chuối có tới hơn trăm nải đang lớn dần trên cây chuối mọc ở trong sân. Yên lặng và thành kính, mọi người dường như đã vứt bỏ mọi lo toan, vướng bận sau một năm làm ăn tất bật để hướng lòng mình đến một niềm tin nơi một cõi khác. Trong cái không gian lãng đãng mà ấm sực của khói hương, trong tiếng lầm rầm khấn khứa và lanh canh tiếng đồng xu xin quẻ âm dương, người thời nay đang cầu tài, cầu lộc. Thường đầu năm người ta đi lễ Đền Cờn để cầu mong những điều cho một năm mới, và cuối năm cũng sẽ tới để tạ lễ.

Theo địa lý phong thổ thì Đền Cờn được xây theo thế đầu chim phượng. Hai "mắt phượng" là giếng Đò và giếng Đình trên 2 ngọn đồi sau đền. Xưa kia, cái doi đất ở cửa biển này có một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Chúa và được người đời thêu dệt bằng huyền tích về một nàng công chúa của nước Tàu vì một nỗi oan ức nào đó mà nhảy xuống biển tự vẫn. Trời Phật đã biến nàng thành khúc gỗ trôi dạt vào lạch Cờn... Từ ngôi miếu thờ khúc gỗ thần tới một ngôi đền thờ Tứ vị là đã trải qua biết bao dâu bể. Bốn vị thần được thờ kính ở đền được biết qua nhiều câu chuyện truyền khẩu trong dân gian, hiện được ghi lại tại đền như sau: Triều Nam Tống (Trung Quốc) bị thất thủ bởi đế quốc Nguyên Mông. Vua tôi cùng Thái hậu, Hoàng hậu, 2 công chúa và các tướng lĩnh lên thuyền chạy về Phương Nam. Thuyền đắm khi gặp sóng to gió lớn, chỉ còn 4 mẹ con Thái hậu may mắn bám vào cột buồm, trôi dạt vào vùng biển này, được một nhà sư cứu vớt. Nhưng sau đó nghĩ cảnh nước mất nhà tan, 4 mẹ con Thái hậu đã nhảy xuống biển tuẫn tiết. Xác 4 người trôi vào lạch Cờn, được dân làng an táng. Thượng Đế đã phong cho Mẫu là Nam Hải Phúc Thần, cai quản 12 cửa biển. Từ đó, dân địa phương vùng biển này làm ăn phát đạt, lập đền thờ 4 vị thánh nương...

Ông Hồ Ngọc Huân- nguyên là giáo viên dạy Toán đã về hưu 15 năm, là người Quỳnh Phương, nay làm Trưởng ban quản lý Đền Cờn có kể với tôi những hồi ức về một làng quê dẫu nghèo nàn nhưng nhiều đình, chùa, miếu mạo của ông. Những Đền Ông Cá, đền thờ Thần Nông, rồi chùa...Ngay cả Đền Cờn này, trước đây có tới 5 toà, 7 nhà ở đền trong, 3 toà ở đền ngoài. Qua bao biến động của thời gian, bom đạn và nhiều lần tu sửa, nó vẫn không còn được vẹn nguyên vóc dáng ngày xưa...Tôi ra phía Đền Ngoài, ngôi đền nằm ngay cửa biển thờ Tống Đế Bính và nhà sư đã có công cưu mang 4 mẹ con Thái Hậu, bắt gặp một mặt biển ầm sóng và nắng. Người ta nói rằng ở đây vẫn còn 2 bậc đá chạm rồng nguyên vẹn từ thời Lê. Giờ đây, nhiều quán ăn đặc sản biển đã mọc lên. Dưới kia, phía biển, vẫn lom khom những dáng người lặn lội với nghêu, với cá. Có tiếng tàu máy công suất lớn trong rào rào tiếng sóng. Ông Hồ Ngọc Huân nói rằng, quê hương ông đã có quá nhiều đổi thay. Với những nếp nhà tranh xiêu vẹo, của cư dân "hồn treo cột buồm", tả tơi sau trận cuồng phong của biển, giờ đây đã thay thế bởi nhà cao tầng, những con thuyền máy công suất lớn, người dân biết làm thêm nhiều ngành nghề: thủ công, cơ khí, chế biến hải sản, dịch vụ...Ông còn kể cùng tôi về lễ hội Đền Cờn hàng năm được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng Âm lịch, những lễ yết cáo, lễ yên vị, lễ rước kiệu từ Đền Trong ra Đền Ngoài và từ Đền Ngoài vào Đền Trong bằng 2 đường thuỷ- bộ, đại lễ ở Đền Trong, lễ tạ, rồi những trò hội nào cờ thẻ, cờ người, chọi gà, đặc biệt lễ đua thuyền... Ông tự hào với ngôi đền nổi tiếng quê ông được cấp Bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1993.

Tôi đã lắng nghe nỗi niềm của ông, trong bổng trầm tiếng khấn cầu của những thầy cúng. Có ai đó đang xin sự bình an...Có điều gì gần với sự nhẹ nhõm bỗng nhiên đến trong tôi. Tôi đã nghĩ về cái dải đất hình chữ S nằm trước biển, cái dải đất " sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", về những nỗi dâu bể thăng trầm, những huyền tích gắn với mỗi ngôi làng, ngọn núi, con sông. Và cái nơi tôi đang đứng đây, mảnh đất thiêng này cũng đã gắn với giấc mộng Nam chinh của Vua Trần Nhân Tông. Ở nơi nào đó, đã có trận chiến của Thái sư Trần Quang Khải với quân của Toa Đô, nơi nào đó quân nhà Trần, nhà Lê vượt biển đi đánh Chiêm Thành và dẹp loạn đã dừng chân? Nơi nào Hải Thượng Lãn ông đã ngồi viết đôi câu đối khi trên đường về Kinh chữa bệnh cho Trịnh Cán: Đại Tống cơ đồ thiên cổ hận/ Nam Triều vũ trụ tứ thời xuân.? Nơi nào nhỉ, Đại thi hào Nguyễn Du, trước cảnh đẹp hữu tình, đã cảm tác bài thơ" Giá vọng cần hải từ"?...Và tôi đã nhớ đến thế câu Kiều của ông, khi dừng chân nơi cửa biển này: Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi...

Thùy Vinh