Mỗi con người, làng quê, từ khi sinh ra, trước khi giao hoà với con người, với cộng đồng, đã biết bầu bạn với các loài chim.
Đường bờ sông dạo ấy chen đặc những rặng cừa, lộc vừng, ráng rèo chín đỏ. Chim từ đẩu từ đâu bay về hàng đàn. Mùa ráng rèo chín, chim vành khuyên đỗ kín cành, vừa bay lượn, ăn trái vừa hót liên miên. Chiều chiều, từng đàn cò trắng, cò lửa sau khi ăn no nê trên đồng, rủ nhau về ngủ. Thời bấy giờ, người ta còn làm tổ cho cò, nhặt, mua tôm tép để dưới gốc cây cho cò. Cò đậu trắng cả bờ xanh ven sông kêu xao xác. Nhưng rồi, một dạo, có mấy thanh niên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về, họ vênh vang mang những cây súng 7 - 9 cân hơi, bắn đì đẹt suốt ngày, cò và chim dần dần bỏ đi hết.
Từ ngày được phổ biến chủ trương bảo vệ môi sinh, làng có quy ước mới, tuyệt đối cấm săn bắn gài bẫy, chim cò lại rủ nhau quay về. Những buổi chiều, lũ trẻ chúng tôi cùng những người già hưu trí, ra ngóng trên bờ sông, nói chuyện vãn trên những bến đá, đón đợi những đàn chim bay về.
Còn nhớ, tôi có người bác và mấy ông anh họ, hễ cứ đến mùa lũ hàng năm, khi nước mênh mông trắng đồng, thì bác và các anh bơi thuyền ra các cồn, các lùm đã cài đặt những giò, bẫy phết đầy nhựa, bắt lũ chim đã dính nhựa mang về. Chim nhiều lắm, hết lồng nọ, bao kia. Bồ nông, diệc, sếu, cò, cói, chàng làng đổ đầy từng đống lúc nhúc trên sân gạch.Chim đã bay đi những phương trời xa. Những đàn cò hoàng hôn, lũ quạ khoang mùa mít chín, những con chim bắt cô trói cột, chim kêu đò, những chú chim khách đuôi dài trên những tàu cau, con chèo bẻo với những cây măng vòi và cả những con chim bói cá sặc sỡ bay vù qua ký ức tuổi thơ.
Làng quê vắng bóng chim. Nguồn cơn ấy vì đâu? Có thể vì chiến tranh (nhưng chiến tranh đã lùi xa) hay vì mùi hoá chất trên đồng ruộng? Và cơ man lý do bất khả kháng! Nhưng điều đáng giận nhất là vì con người, con người đang cạn tình với chim! Con người mải mê với những giả tưởng đời thường, mà quên đi một quà tặng vô giá của tạo hoá, mặc nhiên cho những kẻ vô văn hoá, vụ lợi tha hồ tàn phá môi trường sinh thái.
Cho đến bây giờ, dù tuổi đã lớn, tôi vẫn thích đi bộ dọc con đường bờ sông, con đường râm mát dày đặc bóng cừa, bóng bàng và đầy ắp tiếng chim. Những con chim vành khuyên nhảy nhót, đùa chơi trên mặt đường, rất dạn người, vẻ vô tư của chúng làm tôi vô cùng xúc động. Ấy thế mà có một số thanh niên vênh vang trên những xe gắn máy, ghếch mũi những khẩu súng hơi rình rập để bắn những đôi cu gáy, đuổi bắn những đàn chim vô cùng dễ thương, nhảy nhót, hót ca trên cành.
Chợt nhớ một câu văn bia trên lăng Tự Đức: "Ta trồng nơi đây thật nhiều cây để gọi chim về, chim nào thấy vui thì cứ đến ở, cả cánh rừng mênh mông quanh chỗ ở của ta lúc nào cũng sΩn sàng đón mời". Nên lưu ý rằng, đây là văn bản được xem là thiêng liêng khắc trên đá hoa cương trước mộ của một trong những ông vua quyền lực nhất của nhà Nguyễn.
Tôi từng nghĩ, quê tôi, con đường bờ sông, bờ đê, cánh đồng ba vệt màu xanh song song, vốn sΩn mang một giai điệu tâm hồn hài hoà, tươi sáng. Đó là hơi thở của thiên nhiên và có lẽ là một cái gì đó của nền tảng âm nhạc, của thơ ca. Tiếng chim trên đồng, trên cây, trong làng, trên dậu mồng tơi, tàu cau, dàn trầu là tiếng nhạc của trời ban tặng, thanh khiết, nguyên khôi. Không gian quê hương đầy tiếng chim đã từng làm cho quê hương tươi đẹp hơn, xao xuyến hơn từ bao đời.
Trần Anh Thuận