Đình Hội Thống trong văn hoá một vùng quê ảnh 1
 Đình Hội thống

Đình Hội Thống (còn gọi là Đình Kiên Nghĩa), khởi dựng vào năm 1659 tại làng Hội Thống (nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đến năm 1660, thì khánh thành ngôi đình này. Đình ngoảnh mặt hướng Tây, kiến trúc kiểu chữ Nhị (chữ Hán), gồm 2 tòa chính là Nội Tẩm và Bái Đường. Nội Tẩm đặt bài vị thần Thành Hoàng, chính giữa có bức hoành phi ghi bốn chữ Hán "Xuân - Đài - Thọ - Vực". Bái Đường có 7 gian,32 chân cột (mỗi cột lớn chu vi đến 1,7 m). Chính giữa Bái Đường đặt bức hoành phi khắc 3 chữ Hán vàng "Kiên - Nghĩa - Xã" do nhà vua ban. Gian chính đặt hương án, hai gian tả - hữu đắp nổi làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bậc. Hai đầu là gác chuông, gác trống. Đến tham quan Bái Đường, bạn sẽ thấy có nhiều trang trí chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Sân Đình Hội Thống rộng, bên trái là nhà bia, bên phải là miếu thờ thổ thần. Ngoài cổng phía trước đình, là khoảng ruộng rộng bao la, hàng năm diễn ra lễ Hạ Điền, sau khi tế thần Thành Hoàng.

Đời nhà Nguyễn, Đình Hội Thống tiếp tục được tôn tạo, vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn. Trong đình, có tấm biển khắc bốn chứ Hán: "Thánh-Trạch - Quân - Ân" (Lộc Thánh ơn Vua) và đôi liễn:

Vạn cổ ân quang viễn;

Thiên thu huệ trạch trường.

Tạm dịch: "Muôn thuở ơn sáng rọi- Ngàn thu huệ trạch ngời". Theo các soạn giả của cuốn Đình Chùa Lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam(1) thì Đình Hội Thống còn thờ Tô Hiến Thành, một ông quan thanh liêm đời Lý và thờ thêm bà Nguyễn Thị Khuê và ông Vũ Ninh Tiến là những người giúp tiền của xây dựng đình, sửa chữa đê điều và trang trải sưu thuế.

Đình Hội Thống còn lưu truyền "Bài văn thúc ước", tương truyền do nhà thơ Nguyễn Hành- Tiến sĩ đầu triều Nguyễn - viết ra, mô tả rất sinh động, tự hào về mảnh đất, con người và ngôi đình mang tên Hội Thống. Bài văn có đoạn:

"Một ngôi đình nước chảy vào lòng,

Bốn toà miếu cây vờn nên bóng..."

"Xã Mỹ Nhân chốn chốn sum vầy,

Làng Kiên Nghĩa đâu đâu trọng vọng".

Theo tục lệ, hàng năm vào đầu mùa Xuân, dân làng tổ chứchội họp tại Đình Hội Thống mừng năm mới, chúc nhau vạn sự tốt lành, và cho đọc lại "Bài văn thúc ước". Dịp vui chơi này thường có thi bơi thuyền "cử đỉnh",nghĩa là chuyển một hòn đá lớn đi nhiều vòng quanh sân đình; trò chơi rèn luyện sức khoẻ này rất được dân làng, nhất là trai tráng, hào hứng tham gia. Ngoài tục mừng năm mới tại đình, các soạn giả cuốn Di tích danh thắng Hà Tĩnh (2) còn cho biết thêm: Mỗi năm tại đình, có 2 lễ tế - Tế Xuân và Tế Thu. Còn các soạn giả cuốn Đình Chùa Lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam thì cho biết thêm khá cụ thể: Hàng năm, tại Đình Hội Thống có 4 lễ hội lớn:

- Lễ Khai Hạ (tổ chức ngày 7, tháng Giêng Âm lịch);

- Lễ Du Xuân (ngày 16, tháng Giêng Âm lịch);

- Lễ Kỳ Yên (ngày 15, tháng 7 Âm lịch);

-Lễ Rước đồ mã (ngày 25, 26, tháng Chạp, Âm lịch).

Đình Hội Thống cách Thị xã Hà Tĩnh 61 km về phía Đông- Bắc, cách Thành phố Vinh 27 km về phía Đông - Nam, là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất ở Nghệ - Tĩnh, có quy mô lớn, hoành tráng nằm trong vùng văn hoá truyền thống của xứ Nghệ (Xin lưu ý ở Nam Đàn - Nghệ An cũng có 2ngôi đình nổi tiếng là Đình Hoành Sơn, Đình Trung Cần). Xưa, Đình Hội Thống là nơi văn nhân tài tử thường lui tới, vãn cảnh, làm thơ... Từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), người trong vùng, trong nước, các nhà nghiên cứu xa gần tới đây tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát... Đình Hội Thống đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia, năm 1995. Thì ra, những cái đình không chỉ đơn giản là nơi thờ phụng người có công với dân làng, được phong là Thành Hoàng. Cái đình còn có một vị trí lớn hơn thế nhiều trong đời sống văn hoá, tâm thức của người dân một vùng quê truyền thống như xứ Nghệ.

Cách đây mấy năm, ông Võ Giáp- một nhà giáo đã nghỉ hưu, rất mê sáng tác thơ Đường luật, người cùng làng Hội Thống, dẫn tôi đến thăm đình. Không gian, kiến trúc nơi này vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, trang trọng, mát mẻ, gần gũi, nét tài hoa của cha ông ta truyền lại. Dĩ nhiên, Đình Hội Thống cũng đã nhuốm khá nhiều vẻ tiêu sơ, buồn bã... Có lẽ, đó cũng là tình trạng chung của không ít di tích ở các tỉnh lẻ, giữa cơ chế thị trường và hội nhập !?

 

(1) Trần Mạnh Thường (chủ biên): Đình Chùa Lăng Tẩm nổi tiếng Việt Nam. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, tr.313.

(2) Trần Tấn Hành (chủ biên): Di tích danh thắng Hà Tĩnh. Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 1997, tr.255-256.

Kim Nhật