Xét riêng ở góc độ chỉ ngôi thứ trong gia đình, về người đàn ông có con, thì từ "cha" như một phương ngữ của người Nghệ-Tĩnh cũng giống như từ "bố" (Thanh Hóa trở ra), "bọ" (Quảng Bình, Quảng Trị), "ba" (từ Huế trở vào) và "tía" (Nam Bộ). Tuy nhiên, khi ghép từ "cha" với một số từ tố khác để trở thành từ có hai âm tiết trở lên, biên độ sử dụng cũng như ngữ nghĩa biểu cảm vượt trội hẳn so với các từ bố, bọ, cha, tía. Chẳng hạn, những từ như: mẹ cha, cha chú, cha ông... không thể lấy từ bố, ba, bọ, tía thay cho từ "cha" được. Đối với người Việt Nam theo đạo Thiên chúa, từ "cha" được dùng để gọi những người có chức sắc như linh mục, giám mục một cách tôn kính như: cha cả, cha cố, đức cha... cho dù người theo đạo Thiên chúa là dân Bắc hay dân Nam, cũng chung một cách gọi thống nhất như thế. Qua cách gọi này của cộng đồng giáo dân, càng cho thấy từ "cha" không còn là phương ngữ Nghệ -Tĩnh nữa mà đã trở thành từ phổ thông của tiếng Việt. Lại nữa, với người Việt Nam ta, từ xưa tới nay, có lẽ bất cứ ai khi lâm cảnh đau đớn về thể chất cũng như tinh thần đều cất lên tiếng "cha ôi!", nghe thật thảm thiết! Thán từ này, nếu thay bằng "bố ôi", "ba ôi" thì đâu còn là cảm xúc, thậm chí phản cảm. Có lẽ, cảm nhận được điều này mà người ngoài Bắc (Thanh Hóa trở ra) đều gọi cha là bố, nhưng khi người cha qua đời thì lại khóc "cha ôi", chứ không phải "bố ôi"!?
Vị trí của từ "cha" trong tiếng Nghệ nói riêng và tiếng Việt nói chung vượt trội so với những từ đồng nghĩa khác (bố, ba, bọ, tía) là thế, nhưng không hiểu sao một số khá đông người Nghệ không chỉ đi ra xứ người mà ở ngay địa phương, cũng bỏ từ "cha" mà thay bằng "bố", "ba"? Phải chăng, họ cho rằng cái từ "cha" có từ xa xưa này đã trở thành quê kệch quá rồi, cần phải thay bằng "bố" hay "ba" thì mới sang trọng, thức thời?! Chính bởi vậy, bản sắc địa phương với nhiều nét đẹp văn hóa đang mất dần theo năm tháng. Tiếc lắm thay!
Nguyễn Phương Thoan