(NAO) ...Hai bên bờ sông nham nhở từng bãi đào đãi quặng thiếc theo lối thổ phỉ, hàng ngàn m3 bùn đất và chất thải sau đãi quặng được đổ hết xuống dòng sông, hàng trăm ha ruộng vùng hạ lưu thiếu nước, hàng ngàn hộ dân sống với dòng nước ô nhiễm đỏ ngầu...Nậm Quai Loi đang cạn kiệt, Nậm Quai Loi đang chết !
|
Khai thác khoáng sản là thế mạnh trong kinh tế ở huyện Quỳ Hợp. Với nguồn tài nguyên quý hiếm, phong phú và có trữ lượng lớn có giá trị kinh tế cao như đá trắng, quặng thiếc.... được các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong và ngoài tỉnh khai thác, trong đó nhiều mỏ, nhiều doanh nghiệp tổ chức với quy mô lớn, làm ăn nghiêm chỉnh đã và đang đưa Quỳ Hợp trở thành một huyện công nghiệp tầm cỡ, thu hút không ít lao động trong và ngoài huyện.
|
Song, thời gian gần đây việc tổ chức khai thác tài nguyên của một số tổ chức, cá nhân đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân đang hàng ngày sử dụng nguồn nước đỏ bùn đất từ các dòng đầu nguồn.
Theo dòng Nậm Quai Loi từ khu vực Ngã ba Châu Thành ngược lên, dọc hai bên dòng sông nham nhở từng bãi đào đãi quặng thiếc theo lối thổ phỉ của hàng chục nhóm người với những dụng cụ thủ công đào bới vô tội vạ. Dòng sông đoạn này chỉ còn một lạch nước nhỏ đỏ ngầu, không một sinh vật nào có thể sống được.
|
Tại bản Quai Loi, từ cuối năm 2007 đến nay, một Công ty khai khoáng được cấp phép đang hoạt động hàng ngày hết công suất máy móc đào moi sâu hai bờ, trong lòng núi, dùng xe Ben cỡ lớn chuyển đổ ra các máng xối đầu nguồn để đãi quặng, hàng ngàn m3 bùn đất và chất thải sau đãi được đổ hết xuống sông, lấp dần dòng chảy, nguồn nước cung cấp chính cho hàng trăm ha ruộng và nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân khu vực hạ lưu .
Dòng Nậm Quai Loi đoạn chảy qua Châu Thành và vùng trên xã Châu Cường đang cạn kiệt, đang đứng trước nguy cơ biến mất. Dòng Nậm Quai Loi đang trở thành dòng sông chết !
|
Bà Ngân Thị Mai 61 tuổi ở bản Chăm Hiêng xã Châu Thành nhà ngay bên đập tràn Na Loi trên dòng Nậm Quai Loi bức xúc: “ hơn một năm nay, khi mỏ thiếc Quai Loi hoạt động, người dân các bản vùng dưới khổ sở vì nước dòng sông bây giờ chỉ là một dòng bùn. Nước tưới ruộng vườn cũng thiếu, nước sinh hoạt, ăn uống tắm rửa trước đây đều trông vào dòng sông này, giờ thì …”
Đã đến lúc các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc để cứu một dòng sông!
Bài, ảnh: Lê Bá Liễu