Hàng năm, vào Rằm tháng Hai âm lịch, nhân dân Diễn Châu và các vùng lân cận lại náo nức trẩy hội đền Cuông. Năm nay cũng vậy, từ trước đó hàng tuần, trên khắp các trục đường chính từ trung tâm huyện tới nơi diễn ra lễ hội đã rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào đón nhân dân khắp nơi về dự lễ. Lễ hội đền Cuông 2007 có chủ đề "Về với cội nguồn" với nhiều hoạt động văn hoá phong phú.
Từ sáng 13/2 âm lịch, tại sân lễ hội, một số hoạt động như bóng chuyền nữ, chọi gà đã diễn ra khá rầm rộ. Chị Nguyễn Thị Lài (vận động viên) nhễ nhại mồ hôi sau một trận đấu quyết liệt cho biết: "Đây là năm đầu tiên Lễ hội đền Cuông tổ chức bóng chuyền nữ, chị em chúng tôi rất phấn khởi bởi có dịp để giao lưu, học hỏi các xã bạn". Buổi tối cùng ngày, tại sân đình Xuân Ái (Diễn An) nơi thờ các
chư thần của An Dương Vương rộn vang tiếng hát, tiếng đàn của đội văn nghệ. Cụ Cao Thị Liêu, năm nay đã 85 tuổi, vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể: "Năm nào cũng vậy, cứ hết Rằm tháng Giêng là chúng tôi lại mong tới Lễ đền Cuông. Càng ngày càng thấy tổ chức to hơn, vui hơn". Năm nay, theo ban tổ chức cho biết có 17 đơn vị đến từ đoàn các xã tham gia hội trại. Hội trại được tổ chức vào sáng 14/2 ÂL cùng với nhiều hoạt động khác như các trò chơi dân gian (chọi gà, đu dây, cầu Kiều, thi ẩm thực, đánh cờ người), các môn thể thao (bóng chuyền nam, nữ thu hút vận động viên của 18 đội trong toàn huyện tham gia). Ngoài ra, còn trưng bày triển lãm của Bảo tàng tổng hợp và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Riêng 5 câu lạc bộ ca trù huyện phục vụ du khách trong hai ngày 14 và 15. Đúng 20h, tại sân chính diễn ra Lễ yết cáo, thả đèn lồng và tại đây du khách được thưởng thức các tích tuồng cổ, chèo, cải lương... của các cụ ông, cụ bà đến từ 4 xã Diễn Thịnh, Diễn Mỹ, Diễn Trường và Diễn Hoàng. Vào lúc 23h cùng ngày, tại sân đền diễn ra Lễ rước kiệu Vua Thục và công chúa Mị Châu do bà con xã Diễn An đảm nhiệm với mục đích giúp nhân dân hiểu được công lao to lớn của An Dương Vương.
Điểm nhấn của lễ hội được diễn ra vào sáng 15/2 ÂL ngay tại sân hội trước cổng đền. Trước khi khai mạc lễ hội, từ 6h30 sáng, đông đảo bà con xã Diễn An, Diễn Lộc, các thầy cô giáo, các em học sinh cùng các quan khách gần xa tham gia lễ rước kiệu Vua Thục và các chư thần từ đình Xuân Ái về đền chính. Lễ rước được diễn ra long trọng, thành kính, cờ kiệu rực rỡ góp thêm phần tưng bừng cho buổi lễ. Phần khai mạc của lễ hội bắt đầu khi tiếng trống khai hội dóng lên và tiếp sức là dàn trống hội cùng vang lên rộn rã. Trong lời phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phan Thị Nguyên - Phó chủ tịch huyện nhấn mạnh: Việc tổ chức lễ hội hàng năm là để tưởng nhớ công ơn to lớn của Thục An Dương Vương - người có công dẹp giặc ngoại xâm. Thông qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy truyền thống trọng đạo nghĩa, tình yêu quê hương, ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, đồng thời góp phần bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá của vùng đất Phủ Diễn nói riêng, tăng cường đoàn kết trong toàn dân, noi gương các bậc tiền bối đồng tâm hợp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, qua lễ hội đền Cuông, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử trên vùng đất Diễn Châu. Từ đây, các bạn có thể leo núi Mộ Dạ, lên thăm giếng Ngọc, tới Cửa Hiền, thăm biển Diễn Thành". Diễn Châu đang mở rộng vòng tay chào đón du khách gần xa tới vui chơi, giải trí, đầu tư, kinh doanh.
Phần khai mạc khép lại là Lễ rước kiệu vào đền, màn đồng diễn thể dục nhịp điệu của 500 em học sinh THCS xã Diễn An, biểu diễn Karatedo của võ đường Ngọc Hoà tạo không khí rộn ràng, phấn khích cho buổi lễ. 20h tối cùng ngày (15/2 ÂL), những dòng người từ khắp các ngả đường kéo về sân chính chứng kiến cuộc so tài văn nghệ quần chúng và hội thi Người đẹp đền Cuông của 12 thí sinh đến từ các xã, trường học trong huyện.
Lễ hội diễn ra liên tiếp trong 3 ngày từ 14 đến 16/2 ÂL.
Thanh Thuỷ - Thanh Phúc