Chợ Vinh đang được xây dựng lại cho hiện dại hơn. Bà con tiểu thương, lao động nghèo, phải ra kiếm sống ở khu chợ tạm nhưng vẫn khấp khởi mừng, vì một ngày không xa sẽ được ngồi buôn bán đàng hoàng trong một ngôi chợ văn minh hiện đại. Cách đây 2 năm, chợ tạm bị cháy rụi. Sau ngày chợ tạm cháy, tôi đã đến chợ, nhìn qua rào chắn bằng tôn, khu chợ đang xây, hai năm rồi mà vẫn chỉ chơ vơ mấy cái cọc sắt đã hoen rỉ, mấy khối bê tông không có gì tỏ ra là một công trường đang thi công xây dựng. Dịp này, vào những ngày cận Tết (6/1/ 2008), tôi lại lên chợ để xem tiến triển của công trình. Giữa công trường mênh mông im ắng, không một bóng xe, máy, không một bóng người hoạt động, công trình chỉ mới vỡ vạc phần thô móng chợ và có vẻ như đã dừng thi công! Ra khỏi công trường, chợt buồn: Thế là đã bốn năm rồi (kể từ ngày chợ chính bị phá) một chợ Vinh to lớn, hiện đại trong tâm tưởng mọi người vẫn là giấc mơ xa!

Biết đến bao giờ, chợ Vinh - biểu trưng cho sự giàu đẹp của thành Vinh mới được hồi sinh?

... Chợ Vinh xưa sầm uất lắm. Thành phố Vinh hồi ấy còn nhỏ, chỉ có hai con đường lớn, một đường từ Nhà thờ Cầu Rầm xuống đến Ngã Sáu bây giờ, một đường từ khoảng Ngã tư Ga bây giờ đến Ngã tư chợ Vinh. Trên phố chỉ có ít cửa hiệu buôn bán. Cửa hàng vải sợi của người Ấn Độ (Tây đen), cửa hàng thuốc bắc của người Hoa kiều, cửa hàng thuốc tây của người Việt Nam (cửa hàng đồ sộ sơn xanh, số 10 Hồng Thái thành Vinh ấy mà...). Còn thì buôn bán hầu như tập trung ở chợ Vinh. Hàng hoá đổ về chợ theo đường bộ (ô tô, tàu hoả) và đường thuỷ. Ga tàu hoả hồi đó ở khu cao tầng Quang Trung bây giờ. Mỗi lần tàu trong Nam ra, ngoài Bắc vào, từng đoàn xe kéo tay, xe ba gác đầy ắp hàng hoá lại về chợ. Vào những ngày phiên chợ chính (3-8-13-18 hàng tháng), những đoàn thuyền đầy ắp hoa quả: mít, chuối, cam, bưởi... từ Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh) theo dòng sông Lam, qua bara Bến Thuỷ, ngược dòng lên, tập kết ở bến Cầu Cửa Tiền, về chợ. Những đoàn thuyền đầy tre, nứa, mét từ mạn Anh Sơn,Thanh Chương, Nam Đàn cũng xuôi về bến Cửa Tiền. Bến sông Cửa Tiền tấp nập vô cùng. Thật đúng là "Chợ Vinh trên bến, dưới thuyền". Cũng vào những ngày phiên chợ chính, đồng bào dân tộc, mặc sắc phục dân tộc, chân quấn xà cạp ngũ sắc, đi bộ hoặc đi ngựa từ miền núi xa xôi (Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn), mang đặc sản miền núi như: cao, quế, mật o­ng, mộc nhĩ, măng khô... về bày bán trước cửa chợ. Và, để phục vụ cho bà con buôn bán ở chợ, ngoảnh ra bờ sông, trước bến thuyền, có rạp chiếu bóng An-nam Xi-nê, đêm đêm rực sáng ánh đèn... Chợ Vinh thuở xưa thật thịnh vượng, muôn màu muôn sắc. Thời bom đạn chiến tranh, chợ đã được dời đi nơi khác. Lại cũng có người đã chủ trương xây dựng một chợ khác to hơn để thay thế chợ Vinh. Nhưng rồi, chợ vẫn phát triển và trở về vị trí ông cha chọn. Với người cao tuổi xứ Nghệ, mỗi lần bàn đến chợ, bao ký ức đẹp về chợ Vinh xưa lại hiện về trong nỗi niềm thương nhớ!

Trải qua bao dâu bể, thăng trầm, chợ Vinh bây giờ khác xưa nhiều lắm, cả về quy mô buôn bán cũng như văn hoá chợ. Nhưng cho dù chợ có nhiều biến động qua thời gian, thì chợ Vinh to lớn, sầm uất vẫn là trung tâm kinh tế, thương mại nơi tụ hội giao lưu văn hoá - văn minh xã hội, không chỉ của Nghệ An mà là của cả khu vực Bắc miền Trung. Và không phải tự ngày xưa, mà cả thời hiện đại, khi nói đến chợ, trong phạm vi cả nước, về tầm vóc, trong tâm khảm của người dân Việt Nam, không mấy ai không biết ở Hà Nội có chợ Đồng Xuân, ở Huế có chợ Đông Ba, ở Sài Gòn có chợ Bến Thành, ở Bắc miền Trung có chợ Vinh. Người dân xứ Nghệ thật tự hào quê hương mình có một ngôi chợ to lớn tầm vóc quốc gia. Nhưng rồi, mỗi lần nghĩ đến hiện trạng nhếch nhác của chợ, người viết bài không khỏi băn khoăn, tự vấn mình: chỉ riêng về mặt kinh tế, không rõ mỗi năm thu được bao nhiều tiền, nhưng chắc chắn nguồn thu ở Chợ Vinh chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngân sách của thành phố, góp phần quan trọng để thành phố xây dựng phát triển. Chợ Đồng Xuân - Hà Nội cháy, chợ Quy Nhơn - Bình Định cháy, người ta nhanh chóng kiến thiết lại ngay. Thế mà chợ Vinh phá đi để làm lại cho hiện đại hơn nhưng đã bốn năm rồi!

TP. Vinh trung tâm kinh tế - xã hội của Nghệ An thực sự đã và đang đổi thay mỗi ngày, đô thị thành Vinh đang được tích cực chỉnh trang để vươn lên tới mục tiêu 2010 được Chính phủ công nhận thành phố loại một, chợ Vinh biểu trưng cho sự giàu đẹp của thành Vinh, chắc chắn cũng sẽ phải là ngôi chợ trù phú, văn minh, hiện đại.

Hy vọng rằng, các cấp có thẩm quyền từ tỉnh xuống thành phố, mau chóng tìm ra được nguyên nhân, khắc phục sự chậm trễ, tập trung sức người sức của, để trong thời gian ngắn nhất, nhanh chóng hoàn thành công trình vừa kinh tế vừa văn hoá này.

Thái Hữu Thịnh