Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt - Lâm Đồng, trung tâm vừa tìm thấy mộc bản khắc nguyên văn “Chiếu dời dô” trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ Lý Thái Tổ - quyển 2 - mặt khắc 2) thuộc khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại trung tâm. 

Tìm thấy mộc bản khắc “Chiếu dời đô” cổ nhất ảnh 1

Đây là bản khắc chữ Hán ngược, kích thước 41x21,2cm, khuôn khổ in 29,5x20cm. Bản “Chiếu dời đô” gồm 214 chữ, không kể phần chú thích, được bố cục chặt chẽ, lời văn khúc chiết, đầy sức thuyết phục.  Đây là lần đầu tiên, Việt Nam tìm thấy mộc bản khắc “Chiếu dời đô”, còn từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chỉ tiếp cận nội dung của bức Chiếu qua một số sử liệu.  Theo đánh giá của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, việc tìm thấy bản khắc quý giá này sẽ tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu tiếp cận và nghiên cứu, qua đó, làm rõ hơn mục đích, ý nghĩa và văn phong của áng thiên cổ hùng văn. Hiện tại, các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang tiến hành các bước, nhằm xác định chính xác, mộc bản này có từ thời Lê (năm 1679) hay từ thời Nguyễn (khoảng 1802 đến 1807). Nhưng cho dù, mộc bản được khắc từ thời Lê hay Nguyễn thì đây cũng là bản khắc “Chiếu dời đô” cổ nhất từ trước tới nay tìm thấy được. Việc phát hiện bản khắc chiếu dời đô cũng là một tin vui khi ngày kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần.

Theo ANTĐ