(Baonghean) - Quê tôi vốn rất nhiều cây cổ thụ, nào là cây đa, cây sanh, cây mưng, rồi có cả một rừng lim hàng trăm tuổi. Chúng tôi lớn lên bên những gốc cây này: chơi trò chơi con trẻ, là nơi để ngồi hóng bố mẹ đi làm đồng về và cả chuyện những con "ma" trú ngụ trên ngọn cây...
Thế rồi mỗi lần về quê thấy cây cổ thụ dần vắng bóng. Hỏi ra mới biết người ta đốn ngã để lấy gỗ hoặc bán đi để lấy tiền làm việc này, việc nọ. Nhiều cây sanh, cây mưng bị đào bật gốc, cưa thành từng đoạn rồi chuyển lên xe, xuôi về thành phố và chủ nhân có khi thu về được hàng chục triệu đồng. Thay vào đó là những hố sâu nham nhở, lở lói trông như một vết thương trên mặt đất.
Xét về phương diện không gian văn hóa của làng quê, cây cổ thụ là một biểu hiện của tinh thần cố kết cộng đồng. Có lẽ chính vì thế mà mỗi khi có một cây bị đốn hạ, lập tức trong xóm lại có chuyện hiềm khích. Nhà nọ nói xấu nhà kia, xóm này khích bác xóm khác. Có một cây mưng mọc giữa cận vườn của hai gia đình từ nhiều năm nay. Lâu nay hai bên sống hòa thuận đúng nghĩa xóm, tình làng, tối lửa tắt đèn có nhau. Thế rồi có một tốp người từ xa đến trả giá cây mưng này với gần 20 triệu. Sự bất đồng xuất hiện, hai gia đình tranh giành nhau cây mưng thuộc về mình. Lời qua tiếng lại, thách thức lẫn nhau, cuối cùng chia đôi số tiền bán cây mưng. Và tình nghĩa xóm làng từ đây cũng chấm dứt. Đó là chưa kể việc nhóm người này tới mua với giá này, nhóm khác tới sau trả giá cao hơn từ đó cũng diễn ra bao cuộc cãi cọ, xô xát.
Rừng lim quê tôi có tự lâu đời. Ông ngoại tôi năm nay bước sang tuổi 95 bảo rằng hồi ông còn rất nhỏ đã thấy rừng lim tỏa bóng xanh ngời. Từ đời này qua đời khác hầu như không ai xâm phạm đến rừng lim, vì trong tâm thức ai cũng cho rằng đó là của công, của cha ông để lại. Những năm chống Mỹ, quê tôi bị đạn bom cày xới tan nát nhưng rừng lim vẫn xanh tươi, vươn lên như thách thức với kẻ thù. Thế nhưng, vừa rồi chính quyền địa phương lấy cớ thiếu ngân sách xây dựng cơ sở vật chất nên quyết định khai thác rừng lim. Hàng trăm cây lim đạn bom không gục ngã mà chỉ trong vòng vài ngày chúng đổ gục bởi những lưỡi cưa xăng tàn bạo. Chưa hết, khi cây đổ, người ta còn thi nhau đến đào bật cả gốc cả rễ đem về bào chuốt, gọt giũa thành những bộ bàn ghế bán cho các đại gia "sành điệu", "chịu chơi" với giá mấy chục triệu đồng.
Cây cổ thụ là "chứng nhân" của quê hương, là sợi dây đưa ta về với truyền thống. Xin đừng đối xử tàn nhẫn với cây, vì "một đời cây, mấy đời người" !!!
Tường Anh