Dọc đường Hồ Chí Minh trong chuyến đi làm cuốn sách: "Trường Sơn - Đường khát vọng", sực nhớ anh bạn Lại Đăng Thiện - người được đơn vị truy điệu sống hai lần mà không chết, chúng tôi ghé thăm anh. Nhà anh ở Tân Kỳ, Nghệ An, cách cột mốc số không 15 km về phía bắc. Từ khi có con đường Trường Sơn rải nhựa, anh rời làng ra bám mặt đường trồng cây cảnh kiếm sống. Tôi và Thiện hai đứa cùng làng, nhập ngũ, cùng ra đi từ km số 0, lại cùng một đơn vị Tiểu đoàn 27 công binh, Quân khu 4 (Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang). Gặp chúng tôi, anh tất bật, tay bắt, mặt mừng:
Lễ truy điệu sống lần thứ nhất:
Long Đại là bến phà trên sông Hiền Ninh (Quảng Bình). Mỗi chiến sỹ công binh trấn ải nơi đây được chia mỗi ngày 15-20 quả bom các loại, bom bi như cơm bữa. Lấy Long Đại quay bán kính 2km, quân bình mỗi ngày có 15 - 16 trận oanh tạc, đủ các cỡ loại bom chờ nổ, bom nổ chậm, bom nổ hẹn giờ, không quy luật nào cả.
Tổ phá bom của anh Thiện gồm có 4 người Lại Đăng Thiện, Nguyễn Văn Hưng, Hà Huy Ty và Đậu Anh Côi, 4 chiến sỹ xin làm cảm tử quân với quyết tâm thư được viết bằng máu. Còn nhớ hôm đó 4 chiến sĩ đứng yên dưới mưa, trăng đầu tháng lờ mờ, nghe chính trị viên Tiểu đoàn Trần Sỹ Khiêm và B trưởng Phạm Thế Khang giao nhiệm vụ. Phía trước pháo sáng, bom máy bay địch thả liên hồi. Lễ truy điệu trước giờ xuất kích đơn giản, chóng vánh. Sau khi đọc quyết tâm thư và điếu văn đứng trước bến phà là 4 con người, trông họ như 4 vị tướng thời cổ đại. Xung quanh người phồng lên phao cứu sinh, đầu đội mũ sắt chân đất. Họ nhìn lại đoàn quân, nhìn xuống dòng sông nơi cái chết đang thách thức họ. Tiếng chính trị viên hỏi lớn: Các đồng chí có quyết tâm không? Cả tổ dõng dạc hô vang: Chúng tôi quyết tử cho bến phà sống mãi. Cùng lúc đó, 4 người chạy ào xuống ca nô. Có tiếng máy bay, kẻng cảnh giới: Tất cả sơ tán, lùi lại, dạt ra hai bên đường. Hai pháo sáng địch phát sáng, cả bến phà rực lên như ban ngày. Năm phút, mười phút trôi qua, pháo sáng tắt. Tiếng hô của tổ trưởng: Xuất kích. Tiếng ca nô gầm lên lao vút về phía bờ Nam như một mũi tên, hai phía bom nổ, những cột nước cao hơn mái nhà trắng xoá, bom dâng những cột nước cao mờ mịt cả bến sông. Ca nô chòng chành, nghiêng ngả gần phía bờ Nam, một cột sóng tung cả ca nô lên trời rồi rơi xuống, bốn người tung bốn phía. Chúng tôi lặng lẽ, hồi hộp chờ,... ba phút sau, bỗng chiếc ca nô chồm lên vòng trở lại, người tổ trưởng giơ tay vẫy vẫy chúng tôi. Ca nô chạy tiếp hai vòng, thêm ba quả bom nổ lẫn trong tiếng hô: " Thuyền cao su cấp cứu bờ Nam". Bỗng một cột nước dâng cao đẩy nghiêng ca nô, người lái ca nô cuối cùng bị hất lên bờ. Tiếng B trưởng Cao Chung báo cáo": Đã nổ 16 quả - thông bến, ba chiến sỹ bị thương đang cấp cứu.
Và lần thứ 2
Linh Cảm - Bến Thuỷ - Ngã ba Đồng Lộc là tam giác lửa của không quân Mỹ. Tháng 02/1968 tại đây đã hai ngày không thông bến vì đài quan sát phát hiện nhiều bom nổ chậm. Ba đội rà phá bom: Bờ Bắc Nam Đàn do B trưởng Lê Duy. Ý chỉ huy gồm Hồ Xuân Thìn, Lê Văn Quang, Nguyễn Đức Trí, Nguyễn Văn Tiến Bờ Nam do trung đội Lê Doàn Dần, Hoàng Đức Thân, Nguyễn Văn Cảnh, Lê Tiến Chấn dùng bộc phá kích nổ.
Phía bờ Tây đường 8 đi Lào do Trung đội của Đỗ Tiến Chung, Trần Hữu Bé, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Luyện, Phan Văn Tường, Phan Văn Châu, Hoàng Kim Thất, Trần Ngọc Mật, Lê Quang Cẩn đào được 12 quả bom, buộc vào dây cáp do đồng chí Dục lái xe K61 kéo 8 quả bom ra xa bến để kích nổ, giải toảbờ Tây. Dưới bến phà lúc này tiểu đội ca nô do Vũ Ngọc Chương chỉ huy làm cảm tử quân gồm có: Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện. Lễ truy điệu có đại diện phòng công binh Quân khu 4 Phạm Anh Tánh. 16 giờ 18 tháng 2 năm 1968 Vũ Ngọc Chương xuất kích đầu tiên, sau 3 vòng nỗ 8 quả ca nổ hất văng Vũ Ngọc Chương bị thương nặng anh vẫn gắng hết sức bình sinh cho ca nô lao tiếp và anh đã hy sinh. Đậu Anh Côi được được thay, chiếc ca nô móp méo vượt sóng lao về bên kia bờ, ba quả nổ hất ca nô dạt về bờ bắc Đậu Anh Côi bị thương. Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện thay thế, chạy 4 vòng nổ 12 quả. Pháo hiệu thông bến. Lại Đăng Thiện - Người cảm tử quân hai lần được làm lễ truy điệu sống được các báo, đài phát thanh liên tục biểu dương chiến công.
Trở lại với đời thường. Lại Đăng Thiện vui với công việc trồng cây cảnh và làm thơ. Những vần thơ của anh dung dị, thấm đượm tình yêu cuộc sống và ắp đầy niềm thương nhớ đồng đội.
Châu Nho