(Baonghean.vn) - Công tác tiếp dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2011 trên địa bàn tỉnh giải quyết đạt gần 98% vụ việc, đơn thư. Đây cũng là năm tỉnh giải quyết được cơ bản xong các vụ việc tồn đọng kéo dài từ năm 2010 chuyển sang. Vì vậy, bước sang năm 2012, vấn đề được người dân và các ngành chức năng quan tâm là phải tìm cách để công tác tiếp dân, giải quyết có hiệu quả một cách thực chất, sát thực và bền vững.
Từ thực tế theo dõi cũng như chứng kiến nhiều vụ việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chúng tôi nhận thấy, có những vụ việc khá đơn giản, nhưng người khiếu nại phải đi lại nhiều lần chỉ do cơ quan chức năng, chính quyền các cấp giải quyết hời hợt không hết nội dung, khi người dân khiếu nại lại thì không xem xét lại một cách nghiêm túc, làm nảy sinh khiếu nại vượt cấp.Đã vậy, do kỳ tiếp dân định kỳ hàng tháng, hội đồng tiếp dân do Chủ tịch (hoặc một vị Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy quyền) chủ trì tiếp dân, nhưng suy cho cùng Hội đồng tiếp dân chỉ có vai trò như một phòng khám chỉ "kê đơn" và không có chức năng giải quyết, "điều trị", nên khi người dân đến trình bày, khiếu nại, Hội đồng tiếp dân chỉ ra văn bản giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Sự việc khiếu nại, phản ánh từ lần thứ 2 trở lên thì mới ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở.
Chính vì lý do này nên nhiều vụ việc, Hội đồng tiếp dân ra đến 4-5, thậm chí hàng chục văn bản phê bình, nhắc nhở cấp dưới, tương ứng với đó, người dân phải đi đến hàng chục lần ngược - xuôi, lên - xuống, khiến không chỉ người khiếu nại bức xúc mà Hội đồng tiếp dân cũng thấy thiếu chưa có cơ chế đủ mạnh để xử lý hiệu quả các khiếu nại. Theo quy định và để bảo đảm kỷ cương hành chính thì bất kỳ vụ việc đã giải quyết hay chưa, tiến độ đến đâu, khi người dân có khiếu nại và cơ quan quản lý cấp trên chuyển về thì cấp dưới phải có văn bản báo cáo. Tuy nhiên, không phải đơn vị, địa phương nào cũng chấp hành nguyên tắc này.
Thực tế, năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra, tiếp dân ở địa phương đó còn yếu, chưa làm tốt chức năng tham mưu trong khi chủ trì thiếu sâu sát nên không quán xuyến được đơn thư. Mặt khác, có những vụ việc thực tế quá tầm cấp cơ sở, nếu người dân không đồng ý thì cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay, giúp cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc. Có một thực tế, đa số các vụ việc người dân khiếu nại lên cấp trên giải quyết nhưng lại đang bị "dội", khiến không chỉ cấp dưới quá tải mà ngay cả khi giải quyết lại thì người dân vẫn tiếp tục khiếu nại vì chưa tin tưởng vào kết quả giải quyết của cấp dưới.
Theo báo cáo của ngành Thanh tra năm 2011, trong số 364/375 vụ việc khiếu nại phát sinh thuộc thẩm quyền mà toàn tỉnh giải quyết, thì số vụ việc khiếu nại đúng chỉ chiếm 14,8% (54 vụ); vụ việc khiếu nại có đúng, có sai 88 vụ, chiếm 24,2%; khiếu nại sai là 222 vụ, chiếm 62%. Tương tự, trong tổng số 212 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền mà cơ quan chức năng trong tỉnh đã giải quyết thì có 34 vụ việc đúng (16%); 71 vụ việc tố cáo có đúng có sai (33,5%) và 107 vụ việc tố cáo sai, chiếm 50,5%.
Trong năm 2011, được sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh, bên cạnh các cuộc thanh tra chuyên đề về lĩnh vực đất đai, dự án kinh tế xã hội... lần đầu tiên, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra chuyên đề về thi hành đạo đức công vụ của đội ngũ công chức. Qua kiểm tra và đánh giá sơ bộ cho thấy, những biểu hiện ngày càng tinh vi, không dễ nắm bắt của tình hình tham nhũng, lãng phí.
Qua thực thi nhiệm vụ, Thanh tra tỉnh cũng thẳng thắn nhận định, ngoài chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp dân và thanh tra cấp cơ sở đang thiếu và yếu, thì một trong những hạn chế trong năm 2011, là: các chương trình, kế hoạch thanh tra theo kế hoạch của ngành còn chưa sát với thực tế; có những vụ việc, lĩnh vực cần thanh, kiểm tra thì chưa đưa vào chương trình, còn những lĩnh vực không cần thanh tra thì lại đưa vào nên không khỏi bị động.
Hiện nay, ai cũng biết lĩnh vực quản lý đất đai, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, thủ tục đầu tư các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, phân bổ ngân sách, cổ phần hóa doanh nghiệp, mua bán cổ phần doanh nghiệp, các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách... là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, nhưng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thật công phu và tương xứng với tầm vóc vấn đề là chưa có. Vì vậy, có những loại sai phạm phát sinh mà cơ quan quản lý không thể kịp thời can thiệp, khắc phục.
Điển hình là những vụ tranh chấp mua bán cổ phần tại Công ty CP Xây lắp điện Nghệ An và gần đây là tại Công ty CP Vận tải ô tô đoàn A, quá trình mua lại cổ phần nhà nước và bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động xuất hiện rất nhiều bài học về quản lý công sản; hay vụ chuyển nhượng các dự án khai thác khoáng sản tại Quỳ Hợp, ngay sau khi hoàn tất thủ tục giấy phép khai thác, lợi dụng kẽ hở pháp luật, nhà đầu tư công khai chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài thu lợi hàng triệu USD, nhưng tỉnh không làm gì được để ngăn chặn, xử lý,....
Từ thực tiễn trên, năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường đôn đốc, giám sát để tăng cường hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo; bên cạnh đó, thông qua các kết luận, ngành Thanh tra phải mạnh dạn kiến nghị tỉnh và Thanh tra Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các bất cập phát sinh từ thực tiễn để góp phần đưa công tác tiếp dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng vào trọng tâm, góp phần ổn định tình hình và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Hải