Nhưng cũng phải nói rằng Cửa Lò đẹp, nên thơ vì cách Cửa Lò 4 cây số theo đường chim bay là Đảo Ngư đẹp và anh hùng. Đến thị xã trẻ này, có đi Đảo Ngư mới hiểu hết Cửa Lò.Ta có thể đi theo hai cách để ra thăm Đảo Ngư. Cách thứ nhất là hợp đồng trước với Đơn vị bộ đội biên phòng và Đơn vị quân đội đóng ở Cửa Hội để đi tàu ra đảo. Nhưng cách này có khó khăn vì các đơn vị trên không làm nhiệm vụ kinh doanh du lịch mà chỉ phục vụ những đoàn khách công tác hoặc tham quan theo lệnh của cấp trên, cách thông thường nhất là đi tàu thuyền phục vụ du khách hàng ngày ra thăm đảo. Mỗi chuyến đi và về chỉ mất vài tiếng đồng hồ và mỗi người cũng chỉ phải trả mấy chục ngàn đồng.Đảo Ngư cách đảo Mắt về phía Đông Nam gần 20 cây số. Người ta ví hai hòn đảo này như hai con cá khổng lồ ngoài biển Đông. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, viết: " Đảo Song Ngư ở ngoài biển huyện Châu Lộc. Dáng tròn đẹp, đứng xa như hai con cá bơi lượn ở giữa làn sóng. Cổ ngữ có câu: "Song ngư đảo địa" (chỗ hai con cá đến) tức là chỗ này. Khi Lê Thánh Tông Thuần hoàng đến đi tuần du phía Nam, có câu thơ: "Đoạn tục Song Ngư tử thuý điên" (Màu xanh biếc trên đảo Song Ngư chỗ đứt chỗ nối).Rời thuyền máy, du khách bước lên bờ vào thăm chùa Đảo Ngư, một ngôi chùa có từ xa xưa mới được tỉnh nhà cho tu bổ và tồn tại vào năm 2004 để đón mừng Năm Du lịch quốc gia 2005 về Nghệ An. Cảnh chùa sầm uất. Những cây si, cây giới có tuổi mấy trăm năm xum xuê bóng toả. Trong chùa còn thờ cả anh linh Ngài Sát hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, một vị tướng đời trần đã có công đánh bại quân giặc Nguyên Mông thế kỷ 13.Du khách sẽ rời ngôi chùa, trèo lên ba trăm bậc đá xây để lên đỉnh Hòn Ngư. Chúng ta sẽ gặp những người lính trẻ của Đơn vị quân đội bảo vệ đảo. Trong khoảnh khắc lòng ta tràn ngập niềm tự hào thấy hội trường xinh xắn của Đơn vị treo nhiều cờ thưởng; có sân bóng chuyền để chơi giao hữu giữa chiến sỹ với du khách. Và chúng ta cũng không khỏi ngỡ ngàng với đàn lợn do Đơn vị tổ chức chăn nuôi trên núi cao. Chúng ta trèo lên hàng chục bậc thang đá, đứng nghiêng mình trước Đài liệt sĩ. Trong giây phút thiêng liêng, chúng ta thắp nén hương tưởng nhớ những người con, người em thân yêu đã bó mình trong các cuộc chiến đấu với bọn giặc trời, giặc biển. Chúng ta ngưỡng mộ những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ bầu trời và mặt biển quê hương. Chúng ta trân trọng và mến yêu Đơn vị quân đội đảo Ngư, đảo Mắt đã được Nhà nước tuyên dương Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1973.Đứng trên đỉnh Hòn Ngư vời vợi, gió biển thổi về mát rượi. Nhìn về phía Nam qua bãi cát vàng đến làng mạc nằm sát sông Lam, kéo dài tận biển, đó là huyện Nghi Xuân, quê Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoảnh nhìn về phía Bắc là những núi Đầu Gà, Đầu Rồng mà trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch đã ghi: "Núi Lò (Lô Sơn) ở trên bờ biển xã Vạn Lộc, huyện Chân Phúc. Mạch từ núi Đại Hải lại.Núi có nhiều đá kỳ lạ, có thể cho ta ngoạn thưởng. Nhiều người lấy đá ấy đem về làm núi non bộ". Đến đây chúng ta càng hiểu thêm cái tên gọi Cửa Lò, đó là cửa sông chạy ra biển và có Núi Lò, Nói là "Lò" nhưng lại mát mẻ, thơ mộng là vì vậy.Nếu có điều kiện, khi ra thăm Đảo Ngư chúng ta sẽ tận mắt xem, những lồng cá dò nuôi trên biển. Trong những cái lồng ấy, có loại cá dăm ba cân, có lồng nuôi loại cá 40-50 cân. Khi về khách sạn nếu được chén một bữa cá dò cùng với tôm, mực, cà ruốc thì sao mà quên được hương vị Đặc sản Cửa Lò.Rời khỏi Đảo Ngư, trở về đất liền, chúng ta ngân nga câu thơ dạt dào ý vị:"Ơi, đảo anh hùng thương mến ơiCây xanh, bóng toả giữa xa khơiTàu thuyền neo đậu ôm chân đảoBiển hát ngày đêm quyến luyến ai."

Hà Văn Tải