(Baonghean.vn) - Lưu Sơn là một trong 2 xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Đô Lương. Để phát huy lợi thế trong xây dựng nông thôn mới, xã xác định việc huy động nội lực là nhân tố quan trọng hàng đầu.
Xã Lưu Sơn 3 phía được bao quanh bởi sông Lam, có hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống thủy lợi phân cắt đồng ruộng thành nhiều vùng. Toàn xã hiện có trên 530 ha diện tích tự nhiên, trong đó 304 ha đất sản xuất nông nghiệp, cả xã có 9 xóm với trên 1.300 hộ dân. Kết quả điều tra thực trạng nông thôn mới theo các tiêu chí, cho thấy Lưu Sơn mới hoàn thành và đạt 5/19 tiêu chí bao gồm các chỉ tiêu cứng về quy hoạch SDĐ, hệ thống chính trị, hộ nghèo, đường trung tâm... còn lại các tiêu chí khác xã đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là về giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa... xác định việc huy động nội lực từ nguồn ngân sách xã và sự đóng góp của dân để chung tay xây dựng nông thôn mới là điều cần thiết.
Theo ông Trần Đình Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn thì ngay từ tháng 4/2011, xã thành lập Ban chỉ đạo, phân công và giao trách nhiệm tận từng xóm, cả xã thành lập 7 tiểu ban do các đồng chí Bí thư và Xóm trưởng làm trưởng ban. Xã cử đại diện đến từng xóm, từng hộ vận động, tuyên truyền lợi ích của việc hiến đất làm đường, tích cực vận động bà con góp công và hiến đất 2 vụ lúa để hoàn thiện giao thông nội đồng và nông thôn. Chỉ sau đó không lâu, trong toàn xã đã có sự chuyển biến căn bản về tư tưởng.
Chị Trần Thị Mai - xóm Điện Biên, phấn khởi "Thực hiện chủ trương của xóm, của xã, nhà tôi đã nhất trí hiến 2 thửa đất ruộng canh tác mỗi năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu để xóm làm đường giao thông nội đồng, cùng bà con đắp đường, xây mương đến khi hoàn thành ". Đến nay, toàn xã Lưu Sơn đã vận động bà con nhân dân hiến trên 2 ha đất nông nghiệp với hơn 2 ngàn ngày công đào đắp và xây dựng công trình đường giao thông nội đồng, nhà văn hóa, sân bóng xã.
Việc phát huy nội lựcxây dựng nông thôn mới còn được xã Lưu Sơn gắn liền với việc dồn điền, đổi thửa để phát huy thế mạnh trên cánh đồng chuyên canh rau màu hàng hóa. Từ trước tới nay, Lưu Sơn có ưu thế về điều kiện đất đai màu mỡ, phù sa nên việc phát triển rau màu vụ đông và cánh đồng chuyên canh rau màu trên 20 ha rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc phát triển rau màu theo hướng hàng hóa tại xã còn mang tính thụ động. Trước thực tế này, gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành việc dồn đổi đất nông nghiệp từ 7-8 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ. Hiện nay bà con đã được tập huấn kỹ thuật và quy trình sản xuất rau an toàn, xã đang tiến tới xây dựng mô hình 3 ha rau an toàn tại xóm Điện Biên theo quy hoạch vào năm 2012.
L.M