Hà Nội đã lên đèn. Các con phố sáng trưng và tấp nập. Giữa dòng người đan xen đi về mọi ngả, chúng tôi hướng về Nhà hát Lớn. Ấm áp biết bao, trước những bậc thềm của Nhà hát, nơi in bao dấu chân của các nghệ sĩ lớn, lại được gặp, lại được nghe giọng nói thân quen của người Nghệ… Tất cả đã đến đây, để cùng xem, cùng nghe, cùng làm sống dậy một huyền thoại.Những hàng ghế đã kín chỗ trong đêm giao lưu nghệ thuật “Truông Bồn - Huyền thoại một cung đường” do Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 27 /9 /2008 để kỉ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn. Sân khấu được trang trí giản dị với những đốm đèn nhỏ như những ngôi sao xanh, hình vẽ phác những ngọn núi và sắc tím hoa mua. Và, khi giai điệu của bài hát “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (nhạc sĩ Tân Huyền) ngập tràn thính phòng Nhà hát lớn với giọng hát của Anh Thơ, tất cả chúng tôi đều đã lặng đi… Tôi ngước nhìn những vòm cong cổ kính để nhớ về “mảnh đất quê ta còn nhiều gian khổ…”, về những con người quả cảm kiên cường “giữa trời Xô Viết Nghệ An”… Giai điệu quen thuộc hàng ngày với mỗi người dân xứ Nghệ ấy, hôm nay như tha thiết hơn giữa Hà Nội.

Âm vang Truông Bồn giữa một đêm thu Hà Nội ảnh 1 Ảnh: Lan Anh

Chị Mỹ Lan, người dẫn chương trình của đêm giao lưu, giới thiệu đại biểu. Mới biết nhiều người con xứ Nghệ, là những lãnh đạo cấp cao, cũng rất quan tâm đến chương trình, quan tâm đến Truông Bồn quê hương. Họ đến đây với tinh thần trách nhiệm và cả niềm tự hào. Trong những hàng ghế của Nhà hát Lớn là biết bao gương mặt, già có, trẻ có. Họ là những lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là những người trong Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, là các chiến sỹ, thanh niên xung phong từng làm việc, chiến đấu ở Truông Bồn, các nhà hảo tâm, các doanh nhân và con cháu. Tất cả có chung một nỗi xúc động được ngồi ở đây và tưởng nhớ về một mùa thu đã qua.

Những tràng pháo tay dường như không ngớt dành cho Việt Hoàn với “Chào em cô gái Lam Hồng”, cho Anh Dũng với "Lá đỏ", cho nhóm AC&M với "Khát vọng"… Những tràng pháo tay còn dành rất nhiều cho bác Chu Mạnh – nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Nghệ An và bác Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư TW Đoàn… lên giao lưu cùng hồi ức của họ về mảnh đất Nghệ An những năm chống Mỹ, về “tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh ở Truông Bồn.

Chúng tôi được xem một thước phim tư liệu đen trắng ghi ở Truông Bồn năm 1968. Một nụ cười trong trẻo, một cơ thể khỏe mạnh mười tám đôi mươi, cái vấn tóc đầy nữ tính, cái nhìn căm giận trước khi bóp cò súng hướng về máy bay địch… 40 năm, quá khứ như vẫn còn hiện hữu. Tôi thấy được nỗi rưng rưng trong ánh mắt những con người còn lại của hôm nay đang ngồi lặng yên giữa Nhà hát Lớn.

Kết thúc phần I chương trình là tiết mục múa đầy ấn tượng “Huyền thoại trên đất Truông Bồn” (âm nhạc: Tuấn Phương, biên đạo: NSƯT Quốc Toản, biểu diễn: vũ đoàn Thăng Long). Họ, bằng ngữ điệu cơ thể, đang tái hiện lại cái khoảnh khắc bất tử ngày 31 tháng 10 năm ấy:  là những dịu dàng, tinh nghịch, là nỗi bồi hồi, là những khát vọng, là lòng căm thù sục sôi, là dâng hiến, hy sinh, là nỗi thảng thốt của người tỉnh dậy khi đã mất đi đồng đội quanh mình. Những người con trai, con gái ấy gửi lại tuổi thanh xuân mãi mãi nơi chiến trường, trên những cung đường đánh Mỹ… Mới biết, đôi khi âm thanh, ánh sáng và vũ điệu lại có thể nói được nhiều điều mãnh liệt đến thế.

Phần II của chương trình được mang tên “Ký ức Truông Bồn”. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói về kế hoạch tôn tạo lại di tích Truông Bồn cho tương xứng với một di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, một điểm giáo dục truyền thống. Cảm động và vui mừng, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi phát động, các doanh nghiệp, doanh nhân Nghệ An tại Hà Nội đã quyên góp được hơn 10 tỷ đồng cho Truông Bồn. Họ đều "muốn thắp một nén tâm hương cho những người ngã xuống…"

Phần III của chương trình mang tên “Bình minh trên đất Truông Bồn”. Những bài hát với những giai điệu tha thiết lại cất lên, mời gọi lòng người tìm về với sông Lam dòng trong dòng đục, với Bến Thủy đôi bờ thương nhớ, với những dốc những truông từng thấm máu đào cho xanh mướt hôm nay. Giọng hát NSND Thu Hiền và ca sĩ Trọng Tấn, hai nghệ sĩ, hai thế hệ, vậy mà giọng ca lại hài hòa quấn quýt đến thế trong giai điệu của miền quê xứ Nghệ!

Chương trình giao lưu khép lại. Hà Nội vừa mưa lớn, đường phố vẫn còn ướt. Nhiều ngả đường thoảng hương sữa mùa thu. Tôi gặp một Hồ Gươm trong veo sau mưa, ánh điện ấm áp lấp lánh ở Tháp Rùa. Kết thúc chương trình về huyền thoại Truông Bồn, nhưng vẫn đọng lại trong tôi là nụ cười của cô gái TNXP tuổi mười tám đôi mươi giữa bom đạn tàn khốc. Nụ cười ấy cũng thế, trong trẻo mãi cùng với thời gian.

Thùy Vinh