Khác với thôn Nghi Lộc (làng Trại) ở Hữu Ngạn, Lạch Kèn (Phượng Gián), sát chân núi Hồng Lĩnh, chuyên làm ruộng, săn bắn, thôn Động Gián ở tả ngạn, trên bãi cát, ba bề là sông và biển, nghề chính của cư dân là đánh cá biển.

 Ở làng Động Gián ảnh 1

 Lễ rước Cương Quốc Công Nguyễn Xí tại Đền thờ ông ở xã Nghi Hợp - huyện Nghi Lộc.

Động Gián xưa người đông, làm ăn khá thịnh vượng, có nhiều đình chùa, đền miếu, hàng năm có nhiều lễ lạt, hội hè, lớn nhất là Lễ hội Du xuân - Cầu ngư mà dân địa phương gọi là "Hội Rước Trò". Lễ hội mở ba năm một lần, kéo dài ba ngày, vào trung tuần tháng Giêng, tại cồn Cầu Ngư, một bãi cát dài ven biển.

Từ Tết Nguyên Đán, làng đã họp bàn và bắt tay vào việc tổ chức. Một cái rạp bằng tranh tre được cất lên trên bãi, đầu hồi hướng ra biển là mặt tiền. Trong rạp trần trướng rất đẹp. Trước rạp hai hàng cờ cắm ra tận mé nước, đầu mỗi hàng có một cây cờ đại bằng vóc đỏ, thêu chữ vàng...

Sáng ngày mở hội (thường là vào 11 hoặc rằm), chức dịch, hào lão cùng dân làng đã tề tựu tại các đền miếu rước các Thần ra rạp hội tế. Đám rước phải đi thuyền trên đoạn sông từ bến Ngự đến bến Rước Trò, khoảng 1 cây số. Người ra rước kiệu Thần Cương Quốc Công (Nguyễn Xí), hương án đặt bài vị Thần Bạch thạch (Nhị Nguyễn tướng quân), cáng, võng Thần các đền khác lên ba chiếc thuyền, còn thuyền thứ tư, chở cờ quạt, khí giới, trống chiêng. Ông chấp lệnh mặc võ phục như một vị tướng oai phong, cầm ống gọi truyền cho đám rước xuất phát. Thuyền trống chiêng cờ quạt từ cuối, lên đi đầu và cuối cùng là thuyền kiệu Đức Ông, đi đầu, lại chuyển xuống cuối cùng... Đoàn thuyền ghé vào bến Rước Trò (bến đợi) thì lên bộ. Ở đây đã có đoàn người cờ, thẻ, trống chiêng... đợi sẵn, cùng phối hợp, đám rước càng tăng thêm sự nhộn nhịp, đông vui... Hai hàng cờ đuôi nheo đi đầu, đến hai thẻ "Tĩnh túc" (im lặng nghiêm trang) và "Hồi tị" (lánh xa), rồi hai hàng khí giới, đến "ông voi" (con voi gỗ đứng trên bệ có bánh xe do bốn người đẩy), có ngai bành, trên che cây tàn vóc... Tiếp sau đó là võng, hương án kiệu Thần đi theo đội hình khi rước thuyền... Tất cả trai tráng cầm cờ, thẻ, khí giới đẩy voi, ngựa, gánh võng, án, kiệu... đều mặc đồng phục áo nẹp đỏ. Đoàn rước Thần đi chậm chạp, nghiêm túc. Để giữ trật tự, còn có hai "ông ngựa" (ngựa gỗ đặt trên bệ có bánh xe do hai người đẩy) cùng "đội lính", quần áo trắng, nón chóp đồng, thắt lưng điều, xà cạp đô vác súng hoả mai, đi vòng quanh đám rước. Người xem đông nghịt hai bên bờ cây, nhưng không có ai chen lấn vào tận đám rước.

Ra đến rạp, đoàn rước quay vòng để nhường kiệu Đức Ông (Cương Quốc Công) lên trước rồi lần lượt hương án, võng các Thần vào sau. Làng làm lễ "Yết" xong thì trời vừa tối...

Trong khi làng tế thì các gia đình đều cúng gia tiên, vì người ta cho rằng trong dịp hội làng, ông bà tổ tiên đều về dự.

Tối đến là đêm hát của phường trò trong làng kéo dài đến gần tới sáng.

Ngày thứ hai là ngày hội thi bơi thuyền trên biển, đi cà kheo trên cạn, "quang" cù, "trèo cây hái lộc" (trèo cây chuối), đánh đu... mang ý nghĩa Cầu Ngư. Tất cả đấu thủ, khi vào cuộc thi, đều phải xếp hàng làm lễ Thần trước rạp.

Cuộc đua thuyền tiến hành vào buổi sáng, chỗ 3-4 sải nước, người ta thả một cây tre nêu (theo cách thả "rạo" của ngư dân), trên có cây cờ thêu bốn chữ "Ngư hà mãn tải" (cá tôm đầy thuyền) làm đích cho bốn đội thuyền đua...

Tiếp đến là cuộc thi đi cà kheo trên cạn. Ngày thường, ngư dânđi cà kheo dưới nước để đẩy trủ nhưng đi cà kheo trên cạn lại không quen, nên dễ bị ngã, làm cho người xem reo cười thích thú.

Buổi chiều đến hội "quang cù" (ném cù). Khác với các nơi, cù ở đây làm bằng gỗ nhẹ (thả xuống nước thì nổi) sơn son đặt trên kệ thờ... Hàng trăm trai làng đóng khố sắp hàng trước rạp lễ Thần. Dân làng lễ xong thì một quan viên bưng cái kệ đựng quả cù ra, một người cầm cây long xanh che quả cù, và cụ thủ chỉ mặc áo thụng xanh chắp tay theo sau. Tiếng trống chiêng nổi lên rộn ràng. Dân làng vừa vái, vừa reo hò, đi thụt lùi. Đến cửa rạp, người chấp sự quỳ xuống nâng quả cù lên quá đầu. Cụ thủ chỉ hướng vào bàn thờ vái mấy vái rồi cầm quả cù ném thẳng ra phía trước. Lập tức dân làng ồ lên tranh nhau giật lấy quả cù ném về hướng của phe giáp mình... Trống chiêng của hai giáp chạy theo cổ vũ. Có khi đám cù kéo nhau xuống biển, lặn hụp tranh nhau, hò hét náo nhiệt đến mãi xế chiều, cụ thủ chỉ nổi trống thu quân... Mọi người rầm rập chạy về rạp, và người cuối cùng cướp được cù tiến đến dâng cù lên kệ trên hương án và tất cả lễ tạ. Trước cửa rạp có chăng ngay một sợi dây, trên đó treo từng xâu tiền đồng. Sau khi lễ tạ, cụ thủ chỉ truyền thưởng bằng cách hô mọi người nhảy lên giật tiền trên dây. Lại một phen nhảy nhót náo nhiệt, vui vẻ...

Ngày thứ ba, từ sáng sớm làng tiến hành đại tế trong rạp. Đồng thời, ngoài bãi phía nam rạp tế, có đàn tràng tế cô hồn. Dân làng đều đem gạo muối, cháo, vàng mã đến cúng.

Trưa hôm ấy, đại tế hoàn tất, làng có cuộc "hương ẩm" và buổi chiều, dân làng lại tập trung đầy đủ để "phụng nghinh chư Thánh hoàn cung", rước các Thần về đền, miếu.

Lễ hội Du Xuân - Cầu Ngư không chỉ có dân làng Động Gián, mà còn thu hút người các làng xung quanh, từ Kẻ Vùn, Kẻ Đèm, Kẻ Đạu, Kẻ Cại, Kẻ Lù đến Kim Trì, làng Ngang, làng Bàu, chợ Huyện, Vĩnh Hoà, đến xem, dân làng lại có dịp đón tiếp bà con bạn bè các nơi đến ở gia đình.

Lễ hội Du Xuân - Cầu Ngư cuối cùng là vào khoảng năm 1942-1943.

Thái Kim Đỉnh (Nhà 17- ngõ 12- Đ. Xuân Diệu- P.Bắc Hà- Thị xã Hà Tĩnh)