Tết năm mới ở cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta cũng như ở Nghệ An thường được tổ chức ở các địa điểm công cộng của cộng đồng, ở bản (buôn). Cái Tết diễn ra ở cộng đồng trước, sau mới thấy ở gia đình, tính dân chủ và bình đẳng rõ nét nhất. Việc "hưởng lộc" cũng là bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, chức tước cao thấp.

 Tính dân chủ, bình đẳng trong Tết năm mới của các dân tộc thiểu số ảnh 1

 Lễ hội Hang Bua của người Thái ở Quỳ Châu

Ngày xưa, người Mông có tục toàn bộ các bộ phận hiến sinh của con vật đều được cho vào chảo nấu thành canh ("thắng cố") để cả cộng đồng đều được thưởng thức ngang nhau, "hưởng lộc" bằng nhau.

Đồng bào Thổ huyện Tân Kỳ có Lễ Xăng lái (lễ tung lưới) - lễ săn đầu năm. Người Mường cũng có một lễ tương tự. Khi săn được thú, chủ moong (người cầm đầu cuộc săn) chặt một phần thịt ở chân trước cùng với bộ lông làm lễ tạ ma săn, miếng thịt vai giành cho người nào đâm đầu tiên vào con thú, còn tất cả thịt chia đều cho người, chó, lưới, mỗi đơn vị một phần bằng nhau. Lộc đầu năm làm "khước" cho mọi người. Ở đồng bào Tây Nguyên nổi bật là rượu thịt, tất cả mọi người đều được hưởng một phần bằng nhau và đặc biệt là trẻ con trong bụng mẹ cũng được một phần bằng mọi người. Người ốm, yếu không đi dự hội bà con đều đem phần rượu, thịt đến tận nhà, dẫu một miếng thịt nhỏ cũng không thiếu.

Tục uống rượu cần ngày Tết có lẽ là một tục tiêu biểu, điển hình nhất và hầu như "không có rượu bất thành lễ". Nó là thức ăn tinh tuý và có yếu tố linh thiêng để dâng cúng các thần linh. Rượu ra đời để thay thế cho máu của các con vật hiến tế.

Nhưng phải nói rằng uống rượu cần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta là thể hiện tính cố kết cộng đồng cao và biểu hiện của tính dân chủ, bình đẳng rõ nét nhất.

Người Thái nếu không có khách, người ta mời nữ uống trước, chức sắc trong bản, trong mường cũng phải uống sau. Khách và người già uống hết lượt mới đến nam, nữ từ trung niên trở xuống theo cặp với nhau (trừ trẻ em không được uống). Trong cuộc vui rượu cần, ông cham là trọng tài khi mời uống rượu.

 

 Phụ nữ Mông ngày Xuân

Ông là người có quyền cao nhất trong khi uống, bất cứ ông to, ông nhỏ, người già, người trẻ (ai cao tuổi uống trước, ai ít tuổi uống sau), uống không cạn hoặc không đúng tục lệ cham đều có phép cham. Ngược lại cham rót không công bằng thì những người uống trong đợt đều có quyền phạt lại ông cham. Đã vào vui rượu cần là phải tự giác, thật thà, hết mình. Dù người già hay khách quý cũng đợi mọi người uống xong một lượt, một vòng mới uống lượt hai, vòng hai.

Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, nhất là người Thái, Khơ Mú và Thổ đều có những quy cách uống rượu cần, bàn rượu cần riêng. Nhưng một điểm chung là trong vui rượu cần đều thể hiện tính dân chủ, bình đẳng và bao gồm chất thiêng trong đó.

Ở người Thái Mai Châu (Hoà Bình) còn có tục uống rượu cần và đoán số cho các cô gái, tương tự như bói kiều của người Kinh.

Rượu cần là đặc sản nổi trội của Tây Nguyên bởi không chỉ là số lượng, là chất men, chất rượu mà vấn đề là ở chỗ đi kèm với nó có cả một hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng đa dạng và nếp ứng xử văn hoá phong phú.

Đồng bào Tây Nguyên cho rằng trong ché rượu cần luôn luôn có thần. Mọi hành vi xung quanh ché rượu cần phải thận trọng kẻo làm thần phật ý, thần sẽ bỏ đi làm cho ché rượu bị hỏng hoặc mất tính linh thiêng khi ché rượu không có thần thì cũng như người mất hồn. Có hai kiểu uống rượu cần là uống chung vui và uống nghi lễ.

Uống chung vui thì đơn giản hơn nhưng uống rượu cần mang tính chất nghi lễ thì rườm rà, chi tiết hơn vì nó liên quan đến thần linh. Chẳng hạn ché rượu dùng để cúng thần trong lễ cúng cơm mới phải là loại rượu được ủ từ mẻ gạo mới đầu mùa, chứ không được dùng rượu ủ bằng gạo của mùa trước. Nó phải được quy định theo phong tục văn hoá từng dân tộc của Tây Nguyên.

Cái Tết dân chủ và bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số mãi mãi được phát huy và phát triển trong văn hoá Việt Nam đa dạng và thống nhất.

Đậu Kỷ Luật - (TP. Vinh)