Từ thành phố Vinh qua cầu Bến Thủy khoảng 200m thì đến một ngã ba, rẽ sang trái có đường xuôi theo hữu ngạn sông Lam chừng 5km là đến khu di tích Tiên Điền, nơi Đại Thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới, tác giả Truyện Kiều an nghỉ ngàn thu. | Lăng mộ cụ Nguyễn Du | Toàn bộ khu di tích Tiên Điền là một tập hợp nhiều di tích: đền thờ Nguyễn Huệ, đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, khu mộ Nguyễn Du, Cầu Tiên... Riêng khu lưu niệm Nguyễn Du rộng chừng 2 ha, xung quanh có tường bao bọc. Từ cổng chính đi vào có cột đá khắc hai chữ Hán “Hạ mã”, kề đó là nhà khách, tiếp đến là nhà Tư văn, bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh, nhà thờ Nguyễn Du, nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhà Tư văn làm bằng gỗ lim, lợp ngói vảy, xung quanh xây tường, có hai gian vốn là nhà Văn thánh của huyện Nghi Xuân ở Xuân Viên do Nguyễn Nghiễm đưa về xây dựng tại đây. Năm 1790 nhà Tư văn bị binh hoả hủy hoại, sau đó người họ Nguyễn và quan viên trong huyện xây dựng lại. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, tổ chức ngày hội, ngày lễ của những người trong họ và bạn bè thân thích về thắp hương cúng bái và xướng hoạ thơ văn. Trong nhà Tư văn có 5 câu đối, đáng chú ý là câu: Lễ nghĩa môn đăng học thường chi Cương thường chi huấn ghi văn dạ (Lễ nghĩa phải chăm học. Đạo cương thường luôn nhớ ghi). Bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh do con trai thứ của cụ là Nguyễn Nghiễm dựng vào năm 1762. Bia nằm ở trung tâm của đền thờ, được đắp cao. Trên đầu bia có khắc chữ: “Hồng nguyên tuấn lưu” (Nguồn lớn dòng mạnh). Hai bên mặt bia có câu đối: Cảm thời tuy nhật nguyệt Truyền ngữ thử giang sơn (Khi tưởng nhớ đến cứ dõi trông vầng nhật nguyệt. Những lời truyền dạy sống mãi với núi sông này). Phía trước bia hiện còn cây muỗm và cây bồ lỗ do Nguyễn Quỳnh trồng để gia đình cột ngựa, tính đến nay đã gần 300 năm. Ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825 trên mảnh vườn nhà ở xóm Tiền Giáp. Trong nhà có bàn thờ xây bằng vôi cát, trên để bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng phủ Thái tước Trung hiếu Đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm 1790. Năm 1940, hội khai trí Tiến Đức đã dời ngôi nhà thờ này vào trong khu lưu niệm như hiện nay. Trên bàn thờ có bài vị bằng đá, phía trên có dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên sinh”. Tiếp theo nhà thờ Nguyễn Du là nhà trưng bày một số tài liệu, hiện vật quý hiếm liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào như nghiên mực, chén uống trà, chén uống rượu, gạc móc treo áo mũ, địa bàn dùng đi săn, bức phù điêu bằng gỗ chạm cảnh rước tiến sĩ vinh quy bái tổ, các tác phẩm Truyện Kiều in trên 50 thứ tiếng. Trong số các hiện vật trưng bày có đĩa Mai Hạc, phản ánh chuyến đi sứ sang Trung Hoa năm 1913 của Nguyễn Du. Trong chuyến đi này Nguyễn Du có đến thăm một xưởng làm đồ sứ. Chủ xưởng biết cụ là sứ thần Việt Nam và cũng là một nhà thơ có tài nên đưa cho xem kiểu đĩa vẽ con chim hạc đứng bên cây mai và xin một câu thơ đề cảnh trên mặt đĩa. Nguyễn Du viết: Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người quen Từ khu lưu niệm đi về hướng đông vài trăm mét là đền thờ Nguyễn Nghiễm, còn gọi là đền thờ Đức đại vương, được xây vào năm 1742. Nguyễn Du mất vào ngày 16-9-1820 tại kinh đô Phú Xuân, thi hài được an táng ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến mùa hè năm Giáp thân (1824), Nguyễn Ngũ, con trai Nguyễn Du chuyển hài cốt về cát táng tại xứ Đồng Mái, sau lại di dời về xứ Đồng Thánh gắn với khu vườn lúc Nguyễn Du còn sống tại Tiên Điền. Gần 100 năm sau, con cháu cát táng đến xứ Đông Cùng, là vị trí ngôi mộ hiện nay. Năm 1989, chính quyền địa phương đã tôn tạo phần mộ có phần uy nghi, đẹp đẽ như hiện nay. Khu di tích Tiên Điền, nơi Nguyễn Du viết truyện Kiều đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hoá hấp dẫn. Hàng năm tiếp đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu để được sống lại trong không khí hào hùng, thi vị, đậm đà bản sắc văn hoá Nghệ Tĩnh. |