Viêng Chăn thanh bình

Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Thông tin truyền thông Việt Nam - Văn hoá thông tin Lào, ngày 27/9 đoàn công tác của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam do lãnh đạo Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và TT điện tử dẫn đầu đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Lào. 9h35 phút, đoàn đến Sân bay Quốc tế Vắt Tay. Viêng Chăn cuối mùa mưa không khí hình như oi ả hơn. Xe của bạn đã đón sẵn ở sân bay chở đoàn về khách sạn. Đang từ Hà Nội, một thủ đô náo nhiệt ồn ào, người xe chen chúc, chỉ sau 1 giờ bay, đã gặp một Viêng Chăn xinh xắn- thanh bình. Đã từng nghe ô tô chạy trên đường phố không bao giờ bấm còi, nay mới được thấy. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau trước giao lộ chờ đến lượt mình. Không còi, không chen lấn, luồn lách. Nét thanh bình, yên ả hiện hữu khắp mọi nơi. Ngay cả ở chợ búa vốn là nơi ồn ào náo nhiệt nhất. Nước Lào có đến 96% dân số theo đạo Phật, nhịp sống đó một phần ảnh hưởng của Phật giáo.

 Ấn tượng đất nước Triệu Voi ảnh 1

 Chùa Thạt Luổng.

5 ngày ở trên đất bạn, tôi có thêm cho mình một cách lý giải về nhịp điệu thanh bình đó là nhờ cuộc sống ở Viêng Chăn chưa bị công nghiệp hoá. Một ấn tượng nữa là Viêng Chăn không có nhà cao tầng. Nhà cao nhất cũng chỉ có 5 -7 tầng. Đa phần nhà ở Viêng Chăn không bám mặt đường mà có khuôn viên trồng cây tạo không gian cách ly với đường phố. Một đặc điểm nổi bật là kiến trúc từ nhà ở cho đến công sở, đặc biệt là các công trình văn hoá đều mang dấu ấn của kiến trúc Phật giáo, điều đó cũng góp phần tạo nên không khí thanh bình, yên ả.

Truyền thông đa dạng

Là đoàn công tác của các cơ quan báo chí nên chúng tôi được phía bạn giới thiệu khá nhiều về tình hình hoạt động của báo chí Lào. Hiện nay nước bạn đang tập trung tuyên truyền cho 450 năm thủ đô Viêng Chăn, Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào và 90 năm ngày sinh Chủ tịch Cay- Xỏn -Phôn-Vi- Hản. Một sự trùng hợp thú vị khi vào những ngày này, Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Là đất nước có đến 50% dân số chưa biết chữ nên báo viết ở Lào có phần hạn chế. Toàn quốc có 94 tờ báo và tạp chí, trong đó 27 báo (8 tờ nhật báo), 64 tạp chí. Trong số báo chí có 23 tờ của tư nhân. Nhật báo phát hành tại các tỉnh xa thường 3-4 ngày sau mới tới, chỉ phát hành trong ngày ở Viêng Chăn và vùng phụ cận, với số lượng còn khá khiêm tốn khoảng 2.500 bản /ngày (Tờ báo của Hội Nhà báo Lào). So với báo viết, báo hình và báo nói của bạn phát triển hơn. Toàn quốc có 43 đài phát thanh, 8 đài trung ương và khu vực, 27 đài tỉnh và 8 đài huyện.

 

 Thăm Đài truyền hình quốc gia Lào.

Đài Quốc gia Lào một ngày phát 77 tiếng, 90 chương trình, với 7 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, Anh, Pháp... đã phủ sóng được hơn 70% diện tích lãnh thổ. Trong tương lai, Đài cũng đang định hướng tự cân đối ngân sách. Để thực hiện định hướng đó, Đài cũng đang xúc tiến dự án cùng liên kết với tư nhân xây dựng các trạm phát theo khu vực để phục vụ nhân dân. Với diện phủ sóng hiện nay cả nước Lào có hơn 4 triệu trên tổng số 6,7 triệu dân được nghe đài.

Còn mảng truyền hình, toàn nước Lào có đến 32 đài phát sóng. Trong đó đài Trung ương gồm 3 kênh (1 của tư nhân). Sắp tới một đài truyền hình tư nhân khác sẽ được thành lập. Ngoài ra còn có 17 đài tỉnh, 11 đài huyện vừa sản xuất chương trình, vừa tiếp phát sóng đài Trung ương. Tìm hiểu về mô hình tư nhân tham gia lĩnh vực truyền thông phía bạn cho biết: Đài truyền hình tư nhân chủ yếu phát chương trình và thu hút quảng cáo. Chương trình được sự giám sát chặt chẽ bởi Đài Trung ương Lào. Do đặc thù, để cạnh tranh với nước láng giềng Thái Lan, hệ thống báo chí của Lào đa dạng hơn. Hình thức báo chí tư nhân được nhà nước chấp nhận song hành cùng báo chí của các tổ chức nhà nước, tạo nên sự đa dạng trên lĩnh vực truyền thông.

Đất nước của di tích-chùa - tháp.

Thủ đô Viêng Chăn chỉ có 5 con đường. Tất cả đều đổ về Pat-tu-xay và Thạt Luổng được coi là biểu tượng của nước Lào.

 

 Quảng trường Chiến Thắng (Pat - tu - xay)

Pat -tu xay nằm trên đại lộ Lan Xang, xây dựng vào những năm 1960, là biểu trưng chiến thắng của nhân dân Lào, được xây dựng theo mẫu Khải hoàn mới ở Pari nhưng nó mang bản sắc văn hoá Lào. Đó là hình tượng trang trí Ki -na-ri- người phụ nữ nửa người nửa chim.

Những phù điêu mô tả theo trường caRa -ma, và các toà tháp mang đậm phong cách Lào. Theo cầu thang xoáy trôn ốc, du khách đến với tầng 7, để ngắm toàn cảnh thủ đô Viêng Chăn: Nào toà thị chính, nào Pha Thạt Luổng... khi ánh nắng nhạt dần.

Từ đỉnh Pát - tu - xay, phóng mắt ra xa một toà tháp rực rỡ màu vàng hiện lên. Đó là Thạt Luổng - một biểu tượng của quốc gia Lào. Thạt Luổng được xây dựng từ năm 1566, theo hình nậm rượu, trên nền phế tích một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Tương truyền ngọn tháp được dát vàng bên ngoài. Ngôi tháp đã bị phá huỷ bởi cuộc xâm lược của người Thái thế kỷ 19, sau đó được khôi phục nguyên trạng. Theo truyền thuyết, trong tháp còn lưu giữ xá lợi của Đức Phật là 1 sợi tóc và rất nhiều châu báu. Thạt Luổng là kiến trúc trung tâm của Chùa Thạt Luổng, là một trong những tháp Phật lớn nhất nước Lào.

Một trong những kiến trúc Phật giáo cổ nhất ở Viêng Chăn- Lào là chùa Si Sa Kẹt, tương truyền được xây dựng vào năm 1818, là ngôi chùa duy nhất không bị quân Xiêm tàn phá, một trong những tu viện cổ nhất của đất nước Lào, là nguồn tài liệu quan trọng về kiến trúc cổ. Chùa có hơn 6800 tranh ảnh, tượng Phậ, với hàng trăm pho tượng Phật, là những kiệt tác về nghệ thuật đúc đồng cổ. Nét độc đáo của chùa gây ấn tượng là hành lang với các bức tường được trang trí bởi 2000 tượng Phật bằng gốm, sứ, bạc...

Đó là những di tích nổi tiếng tại Thủ đô Viêng Chăn mà du khách một lần đến không thể bỏ qua. Ở Lào còn có hơn 1.400 ngôi chùa -tháp, là nơi hoạt động tín ngưỡng, nhưng cũng là không gian sinh hoạt văn hoá, nơi lưu giữ, truyền bá nền văn hoá mang đậm bản sắc của nhân dân Lào. Đạo Phật ở Lào phổ biến là Phật giáo Tiểu thừa. Sư sãi được xã hội tôn trọng. Một số gia đình con em đến tuổi tới trường được gửi vào chùa vừa được học chữ vừa học kinh Phật...

Anh Tuấn