(Baonghean) - Khi kể với chúng tôi suốt thời gian dài đi tìm mộ người cha là liệt sỹ hy sinh tại Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Sơn (cán bộ hưu trí ở phường Thanh Miếu, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã xúc động thốt lên “người dân mình sao mà tốt đến thế !”.  Suốt 53 năm qua, phần mộ người cha thân yêu của ông Nguyễn Ngọc Sơn là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lương đã được một gia đình nơi cha ông ngã xuống tự nguyện chăm lo hương khói, giữ cho mồ yên mả đẹp. Tấm Bằng Tổ quốc Ghi Công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 3/6/1963 ghi Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lương, chức vụ Trung đội trưởng QĐND Việt Nam, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngày 10/4/1956 tại Nghệ An mà ông nâng niu từ bấy đến nay được ông đem đến Trụ sở thường trú báo Nhân Dân tại Phú Thọ cho chúng tôi xem như muốn minh chứng về sự biết ơn tấm lòng của một bà mẹ xứ Nghệ với liệt sĩ.  Ông Sơn cho biết, khi cha ông vào Nghệ An công tác, ba anh em ông còn rất nhỏ, cậu em út vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Dù còn nhỏ nhưng ông và cậu em thứ hai không thể nào quên ngày tổ chức lễ truy điệu cha tại quê nhà xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Sau đó do điều kiện chiến tranh, anh em lớn lên ly tán mỗi người một nơi, kinh tế gia đình lại khó khăn, nên mãi đến năm 1993, gia đình mới có điều kiện đi vào Nghệ An đi tìm mộ cha.  Theo những thông tin ghi trong giấy báo tử, nghĩ là mộ cha đã được quy tập vào một nghĩa trang nào đó, anh em ông chia nhau đi tìm hầu khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Nghi Lộc và vùng lân cận nhiều lần nhưng vẫn không thấy. Vào đầu tháng 6/2009, sau nhiều ngày tìm kiếm khá vất vả, tưởng như vô vọng thì tình cờ khi ngồi nghỉ ở một quán nước ven đường, em trai út của ông hỏi chuyện và nghe được thông tin có mộ liệt sĩ ở xóm Long Chùa, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc. Anh em ông Sơn tức tốc tìm đến xóm Long Chùa. Nghe mọi người mách bảo gia đình cụ Phùng Thị Viêm đang chăm nom mộ, sau khi tìm hiểu, đối chiếu thông tin thì mọi người đều xác định đúng là mộ cha mình và cùng òa khóc.  Cụ Phùng Thị Viêm năm nay đã gần 83 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, cụ còn nhớ từng chi tiết chuyện xảy ra cách đây đã 53 năm. Cụ kể, thời gian công tác tại xóm Long Chùa, huyện Nghi Lộc, ông Lương mới ngoài 40 tuổi, được tổ chức phân công ở tại nhà bà. Hồi đó mọi người thường gọi ông Nguyễn Ngọc Lương là “chú Lương trung đội trưởng”, “chú Lương vui tính!”. Ông Lương đã hy sinh ngay tại nhà cụ Viêm do bị bọn phản động sát hại, bà là người chứng kiến sự hy sinh và tham gia lễ truy điệu mai táng.  Từ đó bà Viêm tự nguyện chăm sóc hương khói cho liệt sĩ. Bà hy vọng và tin rằng người thân gia đình liệt sỹ sẽ đến tìm. Những năm gần đây, do tuổi cao, mắt không còn tỏ, cụ Viêm giao cho người con gái là giáo viên thay mình chăm sóc phần mộ và thờ cúng liệt sỹ như người ruột thịt trong gia đình. Bên cạnh mộ ông Lương còn có một ngôi mộ liệt sỹ cũng được gia đình bà Viêm chăm nom.  Ông Sơn cho biết, dù gia đình cụ Viêm và ngành chức năng huyện Nghi Lộc đã cho phép gia đình ông đưa hài cốt liệt sỹ về quê nhưng hiện vì mẹ ông Sơn mới mất nên theo phong tục phải chờ đến năm sau.  Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lương là cụ Lê Thị Hoạt cũng mới được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng vào cuối năm 2008 vừa qua.  Ông Sơn nói: "Dịp ngày 27/7 này, anh em ông sẽ sớm có mặt tại xóm Long Chùa (xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thắp hương cho bố ông và một lần nữa thăm cảm ơn gia đình cụ Viêm đã có công chăm nom phần mộ liệt sỹ suốt 53 năm qua. Cụ Viêm là người mẹ thứ hai của chúng tôi ”.

Minh Thư - Hồng Nghĩa