Hai nhà báo của tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) - tác giả Hồ sơ Panama - cho biết, họ đã rất ngạc nhiên trước cơn chấn động toàn cầu về vụ rò rỉ thông tin và hứa sẽ tiết lộ nhiều tin tức giật gân hơn nữa.

resize_images1502455_anh_6.jpgNhà báo Đức Frederik Obermaier (trái) và nhà báo Bastian Obermayer (phải) - đồng tác giả của Hồ sơ Panama tại văn phòng báo Sueddeutsche Zeitung.

 "Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng sẽ có một phản ứng như vậy, nó xuất hiện trên tất cả các kênh truyền hình và chúng tôi nhận được lời yêu cầu hồi đáp từ khắp nơi trên thế giới", nhà báo Bastian Obermayer, 38 tuổi, nói với AFP.

Sueddeutsche - tờ báo ngày lớn thứ hai của Đức - được một nguồn tin vô danh gửi tới hơn 11 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, vạch trần các giao dịch tài chính mờ ám của nhiều đại gia và giới quyền lực thế giới.
 
Tờ báo này đã chia sẻ một khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ do hàng trăm phóng viên điều tra quốc tế khai thác suốt hơn một năm qua.
 
Kể từ hôm 3.4, những tiết lộ này đã dẫn tới sự từ chức của Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cùng một quan chức cấp cao của UEFA và tăng áp lực lên Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Argentina Mauricio Macri.

"Chúng tôi vẫn đang được thông tin. Trong những ngày tới, sẽ có nhiều chủ đề trở thành tiêu đề báo chí lớn ở nhiều quốc gia". nhà báo Frederik Obermaier, 32 tuổi, cho hay. 

Phá hủy toàn hệ thống

Trong đợt rò rỉ thông tin hàng loạt này, "chúng ta sẽ nhìn thấy các loại tội phạm khác nhau, chúng ta sẽ thấy các băng đảng ma túy rửa tiền như thế nào, các hoạt động buôn lậu vũ khí dính líu, các biện pháp trừng phạt bị phá vỡ ra sao, chúng ta sẽ nhìn thấy nạn gian lận thuế", nhà báo Obermayer nói. 

"Nếu các chính trị gia thực sự muốn ngăn chặn nó, họ phải hành động ngay từ bây giờ", "chúng ta thực sự cần một cái búa để phá hủy các hệ thống công ty ở nước ngoài" và rằng "chính sách đi từng bước nhỏ là không đủ", ông nói.

Các dữ liệu cho thấy, khi chính phủ các nước tiến hành các bước đi chống lại gian lận thuế, "họ thấy thích nghi và thấy cả những ý tưởng mới" để chuyển hướng và cất giấu tiền của họ, ông Obermaier nói.

Các nhà báo nói rằng, họ không biết danh tính nguồn cung cấp những thông tin sốt dẻo này mà chỉ cho biết, họ đã nhận được dữ liệu về các công ty ở nước ngoài từ hơn một năm trước.

"Tôi không biết đó là một người đàn ông hay một người phụ nữ, hoặc một nhóm người. Tôi không biết danh tính của họ", ông Obermaier nói.

Trong nỗ lực bảo vệ nguồn tin, các nhà báo cũng từ chối tiết lộ việc người đó có liên lạc lại hay không hoặc đã phản ứng thế nào với những chấn động quốc tế thời gian qua. Tuy nhiên, họ khẳng định động cơ "đạo đức" của nguồn tin và rằng, người đó "muốn những tội ác này được công bố".

Tương lai của báo chí

Nhà báo Bastian Obermayer là người đầu tiên nhận được liên lạc từ nguồn tin giấu tên, cung cấp các thông tin gây bùng nổ. Nói về việc tại sao tờ Sueddeutsche được nguồn tin vô danh đó chọn lựa, Bastian Obermayer cho rằng, "chúng tôi cũng chỉ có thể suy đoán những lý do vì sao chúng tôi được liên lạc".

Tờ Sueddeutsche được thành lập tại Munich sau Thế chiến II và là một trong những tờ báo lớn của Đức, cùng với tờ bảo thủ Frankfurter Allgemeine Zeitung và tờ lá cải Bild.

Lúc đầu, tòa soạn cũng có những hoài nghi về tập tài liệu này, tuy nhiên sau đó nhà báo Obermayer và các đồng nghiệp nhanh chóng nhận ra rằng những tài liệu đó hoàn toàn xác thực. Rồi họ quyết định chia sẻ khối dữ liệu này trong một dự án nghiên cứu lớn với các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.

"Tương lai của báo chí là hợp tác quốc tế. Chúng ta sẽ mạnh hơn nếu hợp tác cùng nhau, ông Obermayer nói. 

Theo Lao Động

TIN LIÊN QUAN