(Baonghean) - Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất mà mảnh đất Yên Thành để lại cho tôi, chính là những văn nhân ở đất này. Có nhiều người trong số đó, lạ lùng lắm, họ sống một cuộc đời đạm bạc, lặng lẽ. Cùng lắm, chỉ bàn đến văn chương khi có dăm ba người bạn cùng sở thích, sau những giờ cặm cụi ra đồng, hay đi thả trúm lươn… Họ hòa vào cùng màu áo của những người nông dân tần tảo sương nắng. Hay có đôi khi, tôi nghĩ họ là những người nông dân viết văn. Cung Đình Tuệ là một trong số những người như vậy.
Ông không thuộc hội văn học nghệ thuật nào của xã, huyện hay tỉnh... Những bài thơ của ông cất cùng với rương thóc, trong một góc nhà cũ kỹ. Và từ những bài thơ tưởng như chỉ để dành cho mình ấy, ông đã được một số bạn bè thân thiết động viên, đã xuất bản được 5 tập thơ. Những tập thơ cũng là một món quà mà ông tự tặng cho mình, không ham hố chuyện trở thành thi nhân. Có những bài thơ đầy ám ảnh, mà khi đọc thơ ông, người ta mới biết cái con người vẫn lặng lẽ kia, hóa ra ôm chứa một nội tâm dữ dội...
Cung Đình Tuệ sinh năm 1938 tại xã Đức Thành, hiện trú quán tại xã Tân Thành (Yên Thành). Ông vốn là một thầy giáo, từng dạy học tại Trường Bổ túc Văn hóa giao thông vận tải Nghệ An, sau đó là giáo viên cấp 2 ở Đỉnh Sơn (Anh Sơn), rồi về quê hương giảng dạy tại Trường cấp 2 Phúc Thành và một số trường trong huyện. Những năm 1978 - 1988 ông xung phong lên miền núi gieo chữ khi đang là tổ trưởng bộ môn Văn. 10 năm lên với miền Tây Nghệ, ông giữ cương vị hiệu trưởng Trường Nậm Cắn và một số trường khác cho đến ngày về hưu...
Dẫu cuộc đời có thể chọn lối bằng phẳng mà đi, tâm hồn có thể bình thản vui sống, nhưng với những người, mà nói như nhà thơ Nguyễn Bính “giời bắt làm thi sỹ”, họ lại chọn cho mình những suy tư, ám ảnh, những nỗi buồn đi “trước thiên hạ”. Cung Đình Tuệ cũng thế, một trong những điều mà ông chọn, ấy là sự hoài niệm. Ông hoài nhớ cái làng Thọ Bằng, xã Đức Thành quê ông, khi theo chính sách di dân, ông theo cha mẹ đến một vùng quê khác, dù cách làng cũ chẳng bao xa.
Nếu như trong thơ, người ta thấy ông trải lòng mình ngay thẳng đến phát hoảng, thì trong đời thực, Cung Đình Tuệ lại hết sức dịu dàng, lịch thiệp. Không chỉ làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm một người giáo viên trong công việc, ông còn làm tròn bổn phận người chồng, người cha của gia đình. Tần tảo qua bao tao đoạn “đói vàng mắt”, đã từng ngồi bơm, vá săm xe ở một thành phố phồn hoa bậc nhất (Sài Gòn), từng học thêm nghề thuốc đông y... để kiếm thêm tiền phụ giúp vợ con những ngày về hưu... Giờ đây, ông lại lặng lẽ chăm vợ nằm bại liệt một chỗ.
Cung Đình Tuệ từng có bài viết đăng báo từ những năm 1960. Ông nói, cũng có lần, ông nhận đươc giấy mời đi dự hội nghị gặp mặt và bổ túc cho đội ngũ thông tin viên của Báo Nghệ An những năm 1960, nhưng vì lý do riêng mà ông không thể đến dự. Ông nói, dù rất muốn, nhưng cái nghiệp viết chưa đến với ông lúc đó. Vì vậy, những đồng tiền nhuận bút bài báo đầu tiên hay tấm giấy mời họp xưa ấy, ông vẫn giữ đến giờ như một chút kỷ niệm trong đời.
Những bài thơ, không biết đã được viết tự bao năm, vẫn âm thầm đồng hành cùng ông - chia sẻ cùng ông sự cô độc đến tận cùng. Cho tới một ngày, nó được người bạn thân thiết đọc được và động viên ông tập hợp, đi in. Lần lượt là những tập “Cây xương rồng” (NXB Hội Nhà văn, năm 2015) rồi “Bụi phấn” (NXB Hội Nhà văn), Vĩnh Kiều (NXB Hội Nhà văn), Biển tình lắng đọng (NXB Văn hóa dân tộc), Tiếng gọi đò (NXB Văn học, năm 2016) ra đời.
“Chiều chợ cổ - Bù” có lẽ là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thơ ca của Cung Đình Tuệ. Bài thơ bảng lảng sương khói như thời thơ mới 1930 - 1945, hay như ta thấy đâu đó trong thời tiền kiếp: “Giọt nắng cổ Bù hoen lá cỏ/ Mưa thu thị tứ lạnh chiều ni/ Đã hẹn hanh heo chờ mấy bữa/ Mà sao... lác đác trận mưa về”. Nếu như trong 4 khổ ấy, không có khổ cuối hơi đuối, mà đuối nhất là câu cuối cùng, thì bài thơ sẽ rất xứng đáng được tôn vinh. Nói thế để thấy Cung Đình Tuệ có một cái tật, mà nhiều người cầm bút thường mắc phải; cái tật “đang ương đã cho chín” hay kiểu “chín bỏ làm mười” mà người đời thường thể tất cho nhau...
Đọc Cung Đình Tuệ, thấy ông lao động sức vóc lắm, rất khổ công vì thơ, đa dạng phong cách, lập tứ vững. Cung Đình Tuệ thuộc dạng kiến trúc thơ có tài, ông đã nói là có chuyện, dù cho chuyện cái ti vi thôi: “Nghĩ mình phận nỏ ra gì/ Vợ thì đời cũ, ti vi đời đầu” rồi ông mơ mộng: “Đêm nằm lòng những ước thầm/ Ước gì mình được dùng nhầm ti vi”... Đây có lẽ là sự tai hại nhất cho ông và nhiều người, khi sống yên bình, thường hay nghĩ vẩn vơ, dù có thể đôi khi nói cho có vẻ hài hước. Nhưng đọc Cung Đình Tuệ thì thấy, không chỉ để nói vui đâu, ông còn có sự can đảm, thành thực đáng nể trong thơ ... Ông nồng nã, ca ngợi vợ, vợ ông hiện lên đủ các cung bậc cảm xúc của đàn bà, ấy vậy mà cũng rất thật thà khi nói về người yêu cũ.
Ông nói mình làm nghề giáo, mà nghề đi dạy là nghề nói theo sách, thậm chí bây giờ cứ bấm máy là soạn bài... cả năm. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng nói theo ấy, nhiều người có lòng tự trọng đã phải soạn bài, đọc tài liệu, dự giờ đồng nghiệp, rồi nói riêng với chất giọng của mình và đó là những kẻ đáng được học trò ngả mũ. “Có lẽ vậy, sau một đời đi dạy, mình trở lại trang thơ, trải hồn mình ra có gì nói vậy, kể cả chuyện riêng tư tình cảm nhất, sống thật lòng mình trong thời buổi “a còng” này”.
Đọc thơ ông, không phải không có bài chưa hay, nhưng cũng có những câu khiến người ta giật mình: “Có những ngày sống nơi đây/ Tạnh mưa trời lại hồng chân mây/ Xa quê tưởng đã nhiều thu vậy/ Nhớ bữa nôn nao váng mặt mày”. Cái chữ “váng mặt” ấy rất lạ, ông có tài khi đưa những chữ rất dân dã vào thơ. Tuy nhiên, khi cảm xúc chín, nhất là với tình yêu, Cung Đình Tuệ vẫn viết được những câu rất mượt: “Trái ngon chưa chạm đến cành/ Hoa thơm chưa ngửi, bông quỳnh đã rơi/ Bờ ao soi bóng trăng côi/ Đa đoạn lại giẫm chân người thuở xưa”. Ở đời, cái mất đi trong suy nghĩ của ta thường là cái rất lớn, dù đôi khi cái rất lớn ấy là do ta ảo giác suy ra: “Vành trăng tròn khuyết lại mờ/ Cỏ may găm ống quần vừa gỡ xong”, gỡ được ở “ống quần”, nhưng ai gỡ nổi trong lòng. Thất bại ấy đi qua, dại khờ sau lại đến: “Ta ngây thơ tưởng vội họ yêu mình/ Rồi dâng cả sóng tình lên đáy mắt”.
Tuy nhiên, sau những thở than, vẫn có những tươi sáng, trong những bài thơ ông viết khi lên miền núi gieo chữ: “Mường Xén đêm nay trời đầy sao/ Mai em đi chắc trời rất nắng/ Dốc thì dài quãng rừng lại vắng/ Mấy chặng đường đèo đang đợi bước em qua”... “Em về xuôi/ Chiều tắm nước sông Sen/ Ngắm trăng vực Lồ, ăn ngô bãi Sở”...
Ngoài thua thiệt trong tình yêu Cung Đình Tuệ còn có một nỗi đau khác, nỗi đau ly hương. Ông than thở: “Cái giống người ta cũng lạ, có kẻ sinh ra ở quê rồi chê nghèo, chê khó, bỏ đi xa kiếm ăn, đến khi về già lại nhờ con cháu cho về xin ba thước đất, mát ruột buổi lá rụng về cội. Có kẻ nhắc đến quê nhà là ngại vì toàn chuyện buồn cười, nhiêu khê, rồi bỏ đi biệt không thèm về. Có người thì vì đói nghèo xa quê, đến khi có bát ăn bát để, quay về kéo cái lũ làng vất vả ấy ngoi lên khỏi bờ ruộng. Riêng có một hạng, khốn khổ hơn, thương quê, muốn gắn với quê nhà cho đến khi về với ông bà mà buộc phải rời khỏi quê cha đất tổ”... Cung Đình Tuệ có lẽ đã xót xa nhiều lắm với nỗi niềm này, cái làng Thọ Bằng (Thạch Trụ), trong tiềm thức của ông trở thành một nỗi đau dai dẳng: “Bát cơm phiêu dạt bao miền/ Đất quê ấp cuống rốn miền là đây/ Bàng đâu nữa để xanh cây/ Tán xanh cũng mất, chở đầy ngẩn ngơ”... Mất quê, mất luôn cả tình yêu thời trai trẻ: “Sông xưa lỡ một chuyến đò/ Cùng ai lối đợi dặn dò yêu thương/ Ra đi suốt mấy dặm đường/ Cây cầu giải yếm còn vương nỗi niềm”...
Mất hai lần mất nhưng bỗng bật lên hình bóng mẹ: “Một thời tất bật chân tay/ Cả gồng gánh lẫn cuốc cày ngả nghiêng/ Tre làm đòn gánh đòn trương/ Mẹ làm giá đỡ chân kiềng đời con”... phải chăng đó là những câu thơ hay nhất trong đời ông - những câu thơ viết về mẹ...
Khép những trang thơ của Cung Đình Tuệ lại, tôi bỗng thấy ngậm ngùi; một đời người đã nhiều vất vả và thua thiệt; nhưng giá như những nỗi đau ấy, với lòng ham thơ ấy, Cung Đình Tuệ bước sớm hơn vào thơ ca, hoặc có một giá đỡ, một bệ phóng cho ông, thì có lẽ, đau khổ trong ông đã hóa thành tài sản; nhưng dẫu sao cũng may, may cho ông còn có chuyện để nói với đời, và nói được bằng một giọng; dẫu có pha chút hơi hướng đó đây, nhưng thẳm sâu vẫn là giọng của chính mình.
T. Vinh - D. Khánh