Tuyến nọc độc của rắn san hô xanh kéo dài một phần tư chiều dài thân nó và có thể sử dụng làm thuốc giảm đau cho con người.

images1734272_1_3297_1477970742.jpgTuyến nọc độc của rắn hổ mang xanh kéo dài một phần tư thân. Ảnh: Tom Charlton.

Một nhóm nghiên cứu kết luận nọc độc của loài rắn san hô xanh (tên khoa học: Calliophis bivirgata) có thể sử dụng làm loại thuốc giảm đau mới trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Toxin, theo BBC.

Rắn san hô xanh có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á và là loài động vật săn mồi nguy hiểm như rắn hổ mang chúa. Nó dài khoảng 2 m với tuyến nọc độc kéo dài một phần tư chiều dài thân. Loài rắn này sở hữu một trong những nọc độc mạnh nhất thế giới, có thể khiến con mồi tê liệt ngay lập tức.

"Hầu hết các loài rắn có nọc độc tác dụng chậm, hoạt động như loại thuốc giảm đau mạnh khiến bạn thấy buồn ngủ rồi chết từ từ. Tuy nhiên, nọc độc của rắn san hô xanh hoạt động gần như ngay lập tức bởi nó thường săn những con mồi nguy hiểm, phải tiêu diệt nhanh trước khi chúng tấn công lại. Vì thế, nó được gọi là sát thủ của những sát thủ", tiến sỹ Bryan Fry, trường Đại học Queensland, cho biết.

Tác dụng mạnh của nọc rắn san hô xanh có thể được ứng dụng để làm thuốc giảm đau cho con người. Rắn là loài động vật có xương sống tiến hóa gần hơn với con người, vì thế loại thuốc phát triển từ nọc độc của nó khả năng hoạt động hiệu quả hơn.

"Nọc độc tác động tới kênh sodium, trung tâm truyền dẫn cảm giác đau của cơ thể. Chúng ta có thể biến khả năng này thành loại thuốc giảm đau có tác dụng tốt hơn với con người", tiến sỹ Fry giải thích.

Rắn san hô xanh là động vật có xương sống đầu tiên trên thế giới có nọc độc hoạt động theo cách này. Tuy nhiên, đây là loài rắn hiếm bởi hơn 80% môi trường sống của nó đã bị phá hủy.

"Tôi mới chỉ nhìn thấy hai cá thể rắn san hô xanh trong tự nhiên", tiến sỹ Fry nói.

Ông và các đồng nghiệp dự kiến nghiên cứu họ hàng của loài rắn này ở Singapore.

"Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các đặc tính khác ở họ hàng loài rắn san hô xanh. Một số người nói con rắn chỉ tốt khi nó chết nhưng chúng tôi muốn chứng minh điều ngược lại", tiến sỹ Fry cho biết. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN