(Baonghean) - 6 tháng đầu năm 2017, có 12/15 doanh nghiệp ngành dệt may Nghệ An báo cáo tăng trưởng 113,2% so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 74 triệu USD, sản lượng 11.406.442 tấn xơ, sợi dệt các loại. Đây là lĩnh vực có tác động tích cực đến tình hình sản xuất và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, bởi theo thống kê, các đơn vị dệt may giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.

Thống kê từ Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An ước đạt gần 453 triệu USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó hàng hóa xuất khẩu đạt 307,9 triệu USD, tăng 11,5%, chiếm 65,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 69 triệu USD, tăng 241,6% so với cùng kỳ và chiếm 22,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 33 triệu USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ và chiếm 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa...

Riêng lĩnh vực dệt may đạt 74 triệu USD, chiếm trên 24% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Dẫn đầu các doanh nghiệp dệt may có lượng hàng và giá trị xuất khẩu cao 6 tháng đầu năm 2017 phải kể đến Công ty TNHH Prex Vinh (hơn 26,2 triệu USD); Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên (hơn 13,3 triệu USD); Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (hơn 12,3 triệu USD); Công ty TNHH Nam Sung VINA (hơn 10,6 triệu USD)...

Để có được những đơn hàng xuất khẩu đem lại giá trị nêu trên, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực thiết kế, đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ các đối tác và tích cực mở rộng thị trường. 

1498564662707.jpgHoạt động tại Nhà máy dệt may Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: Nguyên Sơn

Điều đáng mừng là trong quá trình áp dụng những cơ chế cắt giảm và tiến tới xóa bỏ thuế quan theo lộ trình trong khuôn khổ AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự chủ động.

Đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng, các nước ASEAN về cơ bản có nhiều doanh nghiệp dệt may các nước châu Á, châu Âu đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại để gia công tiêu thụ nội địa và tận dụng lao động giá rẻ để “tái xuất” các mặt hàng. Vì vậy, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Nghệ An nói riêng phải tăng cường tìm kiếm các thị trường ngoài ASEAN.

Ông Nguyễn Tô Cảnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan chia sẻ: “Gia nhập AFTA, các doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối tác. Ngay cả trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các đơn vị thành viên cũng đã phải chịu sức ép cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói cạnh tranh mạnh mẽ với một số doanh nghiệp FDI hay đơn vị tiềm lực lớn.

Bởi vậy, ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Đài Loan, Ai Cập, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... chúng tôi phải coi trọng công tác phát triển thị trường mới, tìm kiếm mở rộng thị trường sang các nước khác như Peru, Sudan, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ...”.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: An Vinh


Số liệu 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu tăng khá, so với cùng kỳ năm 2016 bằng 113.2%. Đó là chưa kể một số đơn vị báo cáo kết quả xuất khẩu bằng số lượng hàng hóa mà chưa quy ra giá trị, hay như Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai xuất hàng sang Nhật và một số nước qua đối tác của tổng công ty không thống kê vào các mặt hàng báo cáo tại Nghệ An.

Để đảm bảo đà tăng trưởng, bên cạnh chăm lo thị trường nội địa, duy trì các bạn hàng truyền thống, các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường sang Trung Đông, châu Mỹ, châu Phi. Đó là cách mà nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường tiềm năng nhưng chính sách điều tiết về nhập khẩu của nước sở tại luôn thay đổi theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp Việt. 

Dệt may là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp tham gia, ở phạm vi cả nước có hơn 5.000 doanh nghiệp, sử dụng hơn 2,5 triệu lao động. Đây cũng là một ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Tại Nghệ An, theo bà Võ Thị An – Phó Giám đốc Sở Công Thương, lĩnh vực dệt may có 15 doanh nghiệp thường xuyên tham gia sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có một số cơ sở tư nhân tham gia sản xuất các mặt hàng gia công cho các doanh nghiệp trong nước.

Những năm gần đây, dệt may luôn đứng ở tốp đầu về cả sản lượng và giá trị trong những mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An. Kết quả đó, phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở các vùng quê. Cho dù, thu nhập của lao động ngành Dệt may chưa cao, nhưng lĩnh vực này có sự tác động nhiều chiều trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên Nguyên

TIN LIÊN QUAN