Chính quyền Syria sẵn sàng đối thoại với lực lượng đối lập mà không có điều kiện tiên quyết nào.
Cuộc khủng hoảng kéo dài 22 tháng qua tại Syria đang đứng trước cơ hội mới khi cả chính quyền Syria, lực lượng đối lập và cộng đồng quốc tế đều nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ thông tin Syria Omrane al-Zohbien hôm qua tuyên bố, chính quyền Syria sẵn sàng đối thoại với lực lượng đối lập mà không có điều kiện tiên quyết nào. Đây được xem là câu trả lời cho đề xuất đàm phán của liên minh đối lập.
Trước đó, Chủ tịch liên minh đối lập tại Syria Ahmed Moaz al-Khatib đề xuất bắt đầu đối thoại trực tiếp với các đại diện của chính quyền Syria, đồng thời nhấn mạnh mọi cuộc đối thoại cần phải tập trung vào sự ra đi của Tổng thống Bachar al- Assad. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Liên đoàn Arab và đặc biệt là Nga và Iran.
Cùng ngày, trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry cam kết về “một hành động ngoại giao” nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria, đồng thời khẳng định, Mỹ bác bỏ mọi khả năng trang bị vũ khí cho phe đối lập. Tuyên bố của ông Kerry cũng phần nào chấm dứt những đồn đoán về mâu thuẫn ngay trong nội bộ chính phủ Mỹ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trước đó, ngày 7/2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận ủng hộ ý tưởng vũ trang và huấn luyện cho phe đối lập ở Syria, sau khi tờ Thời báo News York đưa tin về kế hoạch này hôm 2/2 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã bác bỏ kế hoạch này và kiên quyết chỉ viện trợ nhân đạo và viện trợ phi sát thương, do quan ngại những rủi ro của việc rót thêm vũ khí vào cuộc xung đột này.
Sau Mỹ, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bác bỏ khả năng Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho lực lượng đối lập Syria chừng nào các bên chưa nhất trí được về một cuộc đối thoại chính trị.
Lãnh đạo các nước Hồi giáo gặp nhau mới đây cũng kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ thêm nữa, mang cuộc chiến tại Syria đến bàn thương thuyết để chấm dứt. Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Ekmeleddin Ihsanoglu nói: “Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Tổng thống Ai Cập về vấn đề Syria. Đề xuất được xây dựng trên cơ sở thúc đẩy đoàn kết tại nước này thông qua một cuộc đối thoại toàn diện giữa tất cả các bên tại Syria và đáp ứng được mong muốn của tất cả các nước muốn tham gia đối thoại”.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tại Syria đang đứng trước những cơ hội mới. Song theo các nhà phân tích, điều quan trọng nhất lúc này là các bên phải nỗ lực xây dựng niềm tin để các cuộc đối thoại chính trị có thể diễn ra và đạt kết quả tích cực./.