Ngày 12/4, Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Christoph Heusgen, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết, 5 quốc gia châu Âu là thành viên của hội đồng này đã đề nghị tổ chức họp đánh giá về tình hình tại Sudan.
Động thái này diễn ra sau khi tình hình tại Sudan tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất chấp việc Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố từ chức người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp.
Trả lời báo giới sau phiên tham vấn kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Heusgen cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể tổ chức một cuộc họp về Sudan vào ngày 15/4 dựa trên đề nghị của 5 nước gồm: Anh, Pháp, Bỉ, Ba Lan và Đức nếu tình hình tại Sudan trở nên nghiêm trọng.
Ông Heusgen cũng kêu gọi các bên liên quan ở Sudan kiềm chế: “Chúng tôi tin rằng sẽ có một giải pháp hòa bình cho vấn đề hiện nay ở Sudan. Tuy nhiên, những giải pháp này phải phản ánh ý chí và nguyện vọng của người dân Sudan. Hiện nay, tình hình tại Sudan rất phức tạp. Chúng ta cần phải có một tiến trình chính trị đáng tin cậy và toàn diện để có được sự chuyển giao quyền lực mà chúng ta mong muốn”.
Tuyên bố của Đại sứ Heusgen đưa ra trong bối cảnh, căng thẳng tại Sudan tiếp tục leo thang. Cảnh sát Sudan thông báo 16 người đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong quá trình tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô Khartoum trong ngày 11-12/4.
Ngoài ra, các cuộc biểu tình và tuần hành cũng đã ảnh hưởng tới giao thông và dẫn tới nhiều vụ tắc đường trên diện rộng tại thủ đô của Sudan. Hiện người biểu tình vẫn đổ ra đường để hoan nghênh thông tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố từ chức người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf đã tuyên bố rằng ông sẽ từ chức người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp của nước này. Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Ahmed Awad Ibn Auf cho biết Trung tướng Abdel Fattah Abdelrahman Burhan sẽ là nhà lãnh đạo mới của Hội đồng quân sự chuyển tiếp.
Tướng Ibn Auf nêu rõ: “Tôi người đứng đầu hội đồng quân sự, xin thông báo tôi từ bỏ chức vụ này để chọn một người có chuyên môn và năng lực mà tôi có thể tin tưởng để bổ nhiệm vào vị trí này. Tôi tin rằng, người đứng đầu hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ có đủ năng lực để đưa con tàu Sudan vào bờ. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn Trung tướng Burhan làm Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp”.
Trong khi đó, Tướng Omar Zain al-Abdin, người đứng đầu Ủy ban chính trị thuộc Hội đồng quân sự chuyển tiếp, đã nói với các nhà ngoại giao rằng việc phế truất Tổng thống Omar al-Bashir không phải là “cuộc đảo chính quân sự”. Ông al-Abdin khẳng định, việc chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện “càng sớm càng tốt” và quân đội không nằm trong tiến trình chính trị ở Sudan.
Theo ông al-Abdin, những hành động của quân đội là để bảo vệ đất nước khỏi tình trạng bạo loạn và một chính phủ dân sự mới có thể được lên nắm quyền trong vòng một tháng nếu chính phủ được thành lập. Quân đội sẽ hành động để đáp ứng những nguyện vọng của nhân dân. Ông al-Abdin kêu gọi người dân Sudan, các tổ chức dân sự xã hội và chính giới nước này tham gia cuộc đối thoại để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế của đất nước.
Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn.
Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau (giờ địa phương). Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình.