(Baonghean) - Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của làng quê Nam Đàn có nhiều khởi sắc. Đó là kết quả của sự năng động, sáng tạo và là thành công của một địa phương đã biết vươn lên từ chính nội lực…

Nơi tôi đang đứng là cánh đồng Cựu Cường, nằm phía bên kia sông Lam của xã Nam Tân, huyện Nam Đàn. Lúc này, đang đúng vào mùa thu hoạch dưa hấu, nên mặc cho trời nắng gay gắt mọi người vẫn tranh thủ ra đồng. Với mức giá trung bình từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, người dân Nam Tân đang hết sức phấn khởi, bởi chỉ cần một sào dưa hấu, trừ đi mọi chi phí người dân đã có thể bỏ túi gần chục triệu đồng. Những người dân tôi gặp cũng đã nói với tôi rằng: Nếu lấy mốc 50 triệu đồng/ha thì chỉ riêng một vụ dưa hấu bà con nông dân cũng đã có thừa. Còn muốn có từ 100- 150 triệu đồng/ha cũng chẳng khó, bởi chỉ ngay trên cánh đồng Cựu Cường, vùng đất bãi pha cát này thôi nếu làm ăn chăm chỉ, một năm 3 vụ cũng đã dễ dàng có hàng trăm triệu…

Cây dưa hấu trên đất Nam Tân cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha.

Cựu Cường trở thành cánh đồng vàng chỉ là chuyện của vài năm gần đây. Còn trước đó, nơi đây đơn thuần chỉ là vùng bãi hoang đất cát, một năm họa hoằn lắm chỉ làm được một, hai vụ. Anh Nguyễn Văn Hải, ở xóm 5, một trong những người đầu tiên đưa cây dưa hấu về trồng trên vùng đất này còn nhớ rất rõ khi chủ trường này mới được khởi xướng, vận động mãi chỉ có chừng chục hộ dám chuyển đổi cây trồng. Nhưng không ai ngờ rằng, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” lại hợp với cây dưa hấu đến vậy, chỉ mùa đầu tiên đã đại thắng. Từ đó, chẳng cần phải tuyên truyền, vận động, bà con cứ theo đà mà trồng, diện tích cây dưa hấu ở xã cũng tăng nhanh từ vài ba ha nay đã lên đến 70 ha. Riêng anh Hải, là người đi tiên phong, nhiều năm lăn lộn với loại cây này nên giờ chỉ cần nhìn vào từng lá cây, từng cách leo ngọn, hình dáng quả, anh đã có thể đọc được nhà nào trồng giống cây gì, cây được bao nhiêu tháng, quả đã đủ độ chín hay chưa. Tuy vậy, dù là loại giống nào, anh cũng tự hào nói rằng: Trời phú cho Nam Tân một chất đất riêng, thế nên cây dưa hấu ở đây có độ ngọt, độ đậm riêng, không lẫn với bất cứ giống dưa hấu ở vùng đất nào. Thậm chí, trồng cà rốt ở đây, vị ngọt cũng khác…

Đưa cây dưa hấu lên trồng ở vùng đất cát hay phát triển các cây vụ đông như cà rốt, khoai tây, phục dựng lại giống đậu tương Nam Đàn…là một trong những chuyển biến tích cực trong cơ cấu nông nghiệp của xã Nam Tân trong vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp chính của chính quyền xã Nam Tân trong việc thực hiện các tiêu chí về kinh tế, đặc biệt là về thu nhập, bởi theo như ông Đào Văn Quang, Chủ tịch UBND xã: Nam Tân là xã thuần nông, ít có nghề phụ. Thuận lợi chính là diện tích đất nông nghiệp rộng, nguồn nước dồi dào. Nếu có phương hướng thích hợp cộng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật chắc chắn là sớm có hiệu quả.

Trên thực tế, trước khi tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Nam Tân đã tiến hành dồn điền, đổi thửa rồi sắp xếp lại cơ cấu từng loại cây trồng sao cho phù hợp với từng thời điểm, từng loại chất đất. Ngay như giống dưa hấu, dù diện tích đang ngày càng được mở rộng nhưng xã không khuyến khích các hộ dân trồng đại trà mà trồng xen kẽ nhau, người trồng trước, người trồng sau, đảm bảo xuyên suốt mùa dưa hấu đều có sản phẩm đem bán. Điều đó cũng tránh được việc dưa hấu chín rộ cùng một thời điểm, dễ bị tư thương ép giá. Song song với đó, xã cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ cơ quan khuyến nông, từ hội nông dân để đưa giống và khoa học kỹ thuật mới giúp người dân hưởng lợi, tạo điều kiện để người dân thuê đất, phát triển hệ thống trang trại…Với nhiều giải pháp đồng bộ này, toàn bộ diện tích gần 400 ha đất màu của xã Nam Tân đều phát huy hiệu quả, mỗi năm luân phiên hiệu quả cả ba vụ xuân, đông xuân, hè thu. Thu nhập của người dân toàn xã cũng đã tăng nhanh từ 10 triệu đồng lên gần 17 triệu đồng/năm, đạt tiêu chí về nông thôn mới.

Trên toàn huyện Nam Đàn, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương thực trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu, nhiều vùng cây trồng mới cung ứng hàng tiêu dùng cho tỉnh Nghệ An và cả khu vực. Đó là rau màu của xã Nam Xuân, Nam Anh, Nam Thanh; rau ngọt của xã Nam Thái; ớt cay xuất khẩu của xã Hùng Tiến, Khánh Sơn; bò vỗ béo Hồng Long, Nam Cường; gà an toàn sinh học của xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát; rau an toàn Đại Phượng - xã Nam Xuân... Đặc biệt mô hình hoa lý của xã Nam Anh, mướp đắng, hẹ của xã Nam Xuân cho thu nhập 300 - 350 triệu đồng/ha/năm....Từ nông nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2013 tăng gấp 1,28 lần so với năm 2010 (từ 17,5 triệu đồng lên 22,5 triệu đồng).

Cùng với đó, kết quả số xã đạt các tiêu chí của nhóm này đều tăng, trong đó tiêu chí thu nhập tăng 22 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 23/23 xã. Tiêu chí hộ nghèo tăng 4 xã so với trước khi thực hiện và 2 xã so với đầu năm 2013, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 4/23 xã. Tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên có 23/23 xã đạt. Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất có 19/23 xã đạt. Kinh tế ổn định, đời sống bà con được tăng cao còn là điều kiện để người dân thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế. Số làng văn hóa, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa tăng nhanh, toàn huyện có 200/320 xóm văn hóa. Có 82% hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa. Nhiều xã đã quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ. Phong trào rèn luyện sức khỏe được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong năm nay, Kim Liên sẽ là xã đầu tiên về đích, các xã Nam Trung, Nam Giang, Nam Cát cũng đã đạt được 15 tiêu chí và dự kiến sẽ đạt mục tiêu đạt xã nông thôn mới cuối năm 2014...Toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí...

Những kết quả đó cho thấy hướng đi đúng mà huyện Nam Đàn đang đặt ra, trong đó cơ bản dựa trên nội lực của người dân, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Phó Văn phòng nông thôn mới huyện Nam Đàn còn cho biết thêm: Tất cả 19 tiêu chí, 39 nội dung của bộ tiêu chí nông thôn mới đã thực hiện ở Nam Đàn không có một tổ chức nào trong hệ thống chính trị đứng ngoài cuộc. Mỗi đoàn thể có một sáng tạo, cách vận động, thu hút đoàn viên, hội viên riêng do đó đã tập hợp được sức mạnh, sự sáng tạo và nỗ lực của cả cộng đồng. Điều này cũng đã khẳng định, dù có khó khăn nhưng nếu có cách đi đúng hướng, nếu phương pháp hợp lòng dân, đem lại lợi ích cho nhân dân thì sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Mỹ Hà