Sức thuyết phục của lòng Nhân ái

(Baonghean.vn) - Điều dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dạy người Việt Nam biết phân biệt người Pháp thực dân với người dân lành nước Pháp, Bác Hồ còn nhắc nhở chúng ta cần phân biệt rõ trong số những người Pháp đi xâm lược nước mình để có cách hành xử phù hợp, nhân đạo trước gang tấc giữa sự sống và cái chết !


Theo một thống kê, tại mặt trận Điện Biên Phủ, có tới 10.130 thương bệnh binh đã được ngành Quân y cứu chữa hoặc điều trị. Đáng nói và khiến nhiều chính khách trên thế giới phải khâm phục, là trong số thương bệnh binh đó, có 1.487 sĩ quan, binh lính người Pháp bị bắt làm tù binh.

 

Sức thuyết phục của lòng Nhân ái ảnh 1

Sức thuyết phục của lòng Nhân ái ảnh 2

Thương binh Pháp được quân y người Việt cứu chữa và đưa tiễn về nước sau chiến thắng Điện Biên (Ảnh tư liệu)

Trên báo Cứu Quốc, tháng 5 và 6 năm 1954, Bác Hồ cho đăng liên tục 6 bài viết cùng về đề tài Điện Biên, có đoạn Người tự hào: “Khắp thế giới đều biết chính sách nhân đạo của ta đối với thương binh và tù binh địch”, trong khi đó thì chính bọn chỉ huy người Pháp, cho đến phút cuối cùng tan rã, đã ra lệnh bắn súng lớn vào hơn 1.000 thương binh của chúng đang ngạt thở, quằn quại dưới hầm tối, sát sở chỉ huy.

 

Sau này, có dịp đọc nguyên văn 5 điều kỷ luật chiến trường tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt ký, tôi càng thấm thía sức mạnh của lòng nhân ái Việt Nam vốn có từ ngàn xưa: “Người nào, đơn vị nào không chấp hành đúng chính sách thương binh, tử sĩ, hủy hoại hoặc sử dụng bừa bãi chiến lợi phẩm, bắn giết, hành hạ tù binh, hàng binh, thì sẽ bị trừng phạt” (Điều 5). Trên thực tế, điều luật trên đã được phía ta thực hiên nghiêm chỉnh, để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong lòng nhân dân nước Pháp...

 

Bà Huệ Hồng, trong một hồi ức có tên “Một Điện Biên ở Paris ” kể lại câu chuyện sang Pháp thực tập, năm 1988. Năm đó tình cờ giữa thủ đô hoa lệ của nước Pháp, Huệ Hồng may mắn gặp một cụ bà từng đặt chân tới Việt Nam .

 

Huệ Hồng hỏi:

- Chắc cụ đã đến Việt Nam rồi ?

Cụ bà người Pháp dừng chân nhìn tôi, đôi mắt ánh lên nhiều kỉ niệm:

- Vâng, tôi đã ở Việt Nam , đã có mặt tại Điện Biên Phủ. Tôi là sĩ quan tham mưu mặt trận ấy !

Đang suy tư, cụ bỗng hỏi lại:

- Thế cô không căm ghét chúng tôi chứ ?

- Thưa cụ, lúc cụ ở Điên Biên thì tôi còn cắp sách đi học ở Trường tiểu học Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng tôi biết phân biệt người Pháp thực dân với nhân dân Pháp của Cách mạng năm 1789; một nước Pháp của Vích-to Huy-gô, của Van-găng Cu-tuy-ri-ê, của Pat-xtơ... mà phải mãi đến hôm nay, tôi mới được đặt chân lên đất nước này.

 

Nghe tôi nói, cụ bà thân mật vỗ vai tôi:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại ! Người là bạn của nhân dân Pháp, của nhân dân thế giới. Người còn là ân nhân của chúng tôi !

Đúng ngày 7 tháng 5/1954, tại mặt trận Điện Biên, Đảng, Bác Hồ cùng toàn quân và toàn dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhưng đầy anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Chính nghĩa, sự quả cảm, và lòng nhân ái đã khiến một giáo sư đại học kiêm nhà báo Mỹ, ông Béc-na Phôn, phải thốt lên một cách chua chát: “Chúng ta không có quyền lãng quên cuộc chiến tranh này, dù muốn hay không, nó còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa...”.

 

Cụ bà trong câu chuyện của Huệ Hồng chỉ là một trong nhiều dẫn chứng sống động mà chúng ta đã hoặc có thể sẽ còn được đọc !

Kim Hùng

Tin mới