(Baonghean) Xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn) nằm ở vùng tả ngạn sông Lam, cách trung tâm huyện khoảng 16 km. Sau khi Đại hội Đảng bộ xã thành công, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây chè công nghiệp vào trồng trên đất Hùng Sơn. Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", chính quyền địa phương đã vận động cán bộ, đảng viên đi đầu nhận đất để trồng chè. Đầu tiên là ông bí thư, ông chủ tịch xã, sau đó là đảng viên trong các chi bộ xóm. Lúc đầu mới trồng nhỏ lẻ vài héc ta, sau đó nâng lên vài chục, vài trăm héc ta.

Gia đình ông Nguyễn Thức Thành ở xóm 5, xã Hùng Sơn trước đây chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng khoán, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Từ khi được nhận đất để trồng cây chè công nghiệp, sau 6 năm, đời sống của gia đình ông đã hoàn toàn đổi khác.

Sức sống nghị quyết 'chuyển đổi cơ cấu cây trồng...' ở Hùng Sơn ảnh 1

     Nhân rộng mô hình sản xuất phân vi sinh tại xã Hùng Sơn (Anh Sơn).Không những gia đình ông Thành, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận mà toàn xã Hùng Sơn hiện có gần 100% hộ nhận đất trồng chè công nghiệp với tổng diện tích 370 ha. Mỗi năm, xã cung ứng cho nhà máy chế biến gần 3.000 tấn chè búp tươi, đưa về nguồn thu trên 8 tỷ đồng cho người trồng chè. Để cây chè phát triển bền vững, cho năng suất chất lượng, giảm chi phí đầu vào, chính quyền địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp chè Hùng Sơn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất phân hữu cơ sinh học theo từng hộ gia đình. Đảng ủy xã đã phân công mỗi đảng viên hướng dẫn cho 3 hộ dân sản xuất phân vi sinh đầu tư cho cây chè công nghiệp. Từ vài ba hộ sản xuất, đến nay toàn xã đã có 140 gia đình làm phân vi sinh, sản xuất được trên 700 tấn, trị giá trên 1 tỷ đồng.

Hiện nay, xã Hùng Sơn đang đẩy mạnh phát triển kinh tế với 3 loại mô hình trang trại là: chăn nuôi, trồng cây nguyên liệu và mô hình tổng hợp. Hiện toàn xã Hùng Sơn có tới trên 40 trang trại, trong đó có tới 15 hộ có trang trại đạt chuẩn, với 1.000 ha cây nguyên liệu giấy, 370 ha cây chè công nghiệp và 50 ha ao thả cá. Nhờ phát triển mô hình trang trại có hiệu quả mà tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 5 - 7 %. Đảng bộ xã Hùng Sơn đã xác định "xây dựng nông thôn mới" là một trong các chương trình trọng tâm của địa phương trong nhiệm kỳ đại hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Tính đến nay, Hùng Sơn đã hoàn thành điều tra hiện trạng nông thôn trên địa bàn toàn xã. So sánh với 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, địa phương có 3 tiêu chí đạt chuẩn. Trong thời gian tới, xã Hùng Sơn sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, cơ sở văn hoá, môi trường và cơ cấu lao động.

Việc Hùng Sơn đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách đúng hướng, không những khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất mà còn thu hút được nguồn vốn, tạo việc làm cho lao động, có tác dụng lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Đặng Dương