Sáu tháng qua, thị trường ô-tô tăng trưởng mạnh với tỷ lệ 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và dấu hiệu hồi phục ở từng ngành kinh tế chưa thật rõ rệt, thì điều này cho thấy thị trường ô-tô đang khởi sắc.

Khách hàng xem mẫu xe tại một triển lãm ô-tô ở TP Hồ Chí Minh.

Doanh số bán hàng tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA), trong sáu tháng qua, tổng lượng ô-tô bán ra của các thành viên thuộc VAMA đạt hơn 65.389 chiếc, tăng mạnh so với mức hơn 49.000 chiếc cùng kỳ năm 2013. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, tổng sức mua ô-tô trên toàn thị trường đạt 11.884 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nếu tính đến hết tháng 6, thị trường Việt Nam đã có 15 tháng liên tiếp mà sản lượng bán hàng ô-tô đạt cao hơn cùng kỳ.

Qua tìm hiểu tại một số đại lý ô-tô lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Toyota Mỹ Đình, Ford Thủ Đô, Mercedes Benz Andu chúng tôi nhận thấy, thị trường ô-tô đang có tín hiệu khởi sắc. Doanh số bán hàng tại các đại lý đều có mức tăng trưởng mạnh, tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Anh Duy Anh, nhân viên kinh doanh tại đại lý ô-tô Mercedes Benz Việt Nam Star Ngô Quyền (Hà Nội) cho biết: Vài tháng trở lại đây, doanh số bán hàng của đại lý vào khoảng 60 đến 70 xe/tháng, mức tăng trưởng đạt 75% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân của việc doanh số bán hàng xe ô-tô tăng mạnh, ông Nguyễn Anh Long, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh ô-tô trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết: Trước hết là do ngay từ đầu năm, thuế nhập khẩu giảm còn 50% thay vì 60% như năm 2013, phí trước bạ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giảm xuống thấp hơn trước, chỉ còn 12% và 10%. Sau đó, chính sách cho vay mua ô-tô từ các tổ chức tín dụng ngày càng thông thoáng cùng với nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn đối với khách hàng mua xe được các đại lý, cửa hàng áp dụng cũng có vai trò nhất định tới việc doanh số bán hàng của các đại lý ô-tô tăng mạnh.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường ô-tô sôi động hơn là do các hãng xe lần lượt ra mắt tới gần chục mẫu xe cùng các phiên bản mới, kể cả lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu.

Ngay từ đầu năm, Ford Việt Nam đã cho ra mắt dòng xe Fiesta mới với cải tiến động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Cùng với đó, Mercedes Benz Việt Nam cũng lần lượt cho ra mắt các dòng xe mới như A Class, CLA Class,... Chỉ trong một vài năm trở lại đây, nhiều hãng xe lớn trên thế giới như Rolls Royce, Bentley, Lexus,... lần lượt mở các đại lý chính thức tại Việt Nam, đủ cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng của thị trường ô-tô Việt Nam đối với các hãng xe lớn trên thế giới.

Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng của ô-tô lắp ráp trong nước sáu tháng năm 2014 đạt 49.091 chiếc, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 60% với hơn 16 nghìn chiếc. Điều này cho thấy thị trường ô-tô Việt Nam đang có một cuộc tranh đua mạnh mẽ giữa ô-tô lắp ráp trong nước với ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Xe phổ thông được ưa chuộng

Theo chia sẻ của các đại lý ô-tô trên địa bàn TP Hà Nội, khách hàng thường quan tâm đến những dòng xe gia đình dưới 5 chỗ ngồi có mức giá dao động vào khoảng 500 đến 700 triệu đồng, bởi lợi thế giá cả hợp lý, dòng xe phổ thông, khi có hỏng hóc dễ sửa chữa và thay thế phụ tùng. Và một điều quan trọng nữa là do tâm lý đám đông của người dân, những dòng xe được nhiều người ưa chuộng, sau một thời gian sử dụng, khi bán đi vẫn giữ được giá tốt.

Gặp anh Lê Đức Mạnh, trú tại phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đang "ngắm" xe tại một đại lý ô-tô trên đường Phạm Hùng, anh chia sẻ: Gia đình tôi đang nghiêng về lựa chọn xe Yaris của hãng Toyota có mức giá dưới 650 triệu đồng, được nhập khẩu tại Thái-lan. Đây là dòng xe gia đình, có mức tiêu hao nhiên liệu hợp lý.

Loại xe này sau một thời gian sử dụng khi bán đi vẫn giữ giá.

Có thể thấy, thị trường ô-tô Việt Nam hiện nay, những dòng xe mang thương hiệu phổ thông như Toyota, Ford hay Honda... đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có nhà máy lắp ráp ô-tô tại Việt Nam và có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại các nước trong khu vực ASEAN như Thái-lan hoặc In-đô-nê-xi-a. Các tập đoàn ô-tô này cũng đã thể hiện rõ xu hướng tập trung sản xuất tại các nước ĐôngNam Á và từ đó xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi nói chung. Điều này trong tương lai sẽ rất có lợi khi thời điểm năm 2018, theo cam kết tự do hóa thương mại khu vực ASEAN/AFTA, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ về 0%.

Lộ trình giảm thuế xe nhập khẩu này sẽ thúc đẩy các thương hiệu thuộc phân khúc bình dân đưa xe sản xuất từ Thái-lan, In-đô-nê-xi-a tràn về thị trường Việt Nam. Điều này sẽ có lợi cho các dòng xe phổ thông của các hãng như Toyota, Honda hay Ford, còn đối với những dòng xe sang và đắt tiền của các hãng như BMW, Audi, Lexus sẽ bị cạnh tranh về giá do thuế nhập khẩu sẽ cao hơn. Do vậy, xe hơi hạng sang sẽ có phần lép vế trước nhiều ưu đãi từ các dòng xe phổ thông trong khu vực. Một nguyên nhân nữa cũng do điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam vẫn còn nằm ở mức thấp nên việc chọn mua xe có mức giá phù hợp là điều kiện giúp dòng xe phổ thông được nhiều người lựa chọn.

Trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế, với tỷ lệ tăng trưởng sức mua 31% như hiện nay, đây có lẽ là tin vui đối với thị trường ô-tô Việt Nam. Từ diễn biến khả quan trong sáu tháng qua, VAMA đã nâng dự báo doanh số bán ô-tô của Việt Nam lên 130 nghìn chiếc năm nay, cao hơn so với mức 125 nghìn chiếc trong dự báo của tháng trước đó. Điều này cho thấy VAMA đang kỳ vọng vào thị trường ô-tô Việt Nam sẽ đột phá trong thời gian tới.

Theo.Bao nhan dan