Tại các hệ thống siêu thị, lượng khách đến mua sắm đã tăng 40-100% so với tuần trước. Mặt hàng được khách hàng chọn mua nhiều nhất vẫn là thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, mứt, trà, nước giải khát, thực phẩm khô và chế biến đóng hộp, quần áo…
Hà Nội: Hoa quả tăng giá mạnh
Chợ hoa Hàng Lược “mở hàng” từ 23 tháng Chạp tới gần 30 Tết. Năm nay, chợ hoa Tết truyền thống phố Hàng Lược được mở rộng sang phố Hàng Rươi, Hàng Chai để phục vụ nhiều hơn nhu cầu của người yêu hoa. Do thời tiết những ngày cận Tết ấm áp nên giá đào, quất ổn định, nhưng lượng người mua có phần trầm lắng hơn so với năm trước.
Tăng giá nóng nhất vẫn thuộc về mặt hàng hoa quả tươi. Cụ thể, bưởi Diễn hiện được bán phổ biến ở mức 35.000-50.000 đồng/trái, thanh long từ 40.000 lên 60.000 đồng/kg, xoài xanh từ 40.000 đồng/kg đã tăng lên 90.000 đồng/kg. Nhưng loại quả tăng giá kỷ lục nhất phải kể đến Phật thủ, bòng, bưởi và chuối xanh. Tại một số chợ trung tâm ở Hà Nội, một nải chuối trung bình (từ 13-15 quả) giá cũng trên dưới 100.000 đồng/nải, còn giá Phật thủ và bòng bưởi tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời điểm cách đây 1 tuần. Tại nhiều cửa hàng hoa quả ngoại nhập, lượng khách cũng đông nhưng không đến mức đổ xô, xếp hàng như năm trước. Trong đó, nho đen không hạt, táo Ambosia, cherry... đắt hàng nhất. Mặc dù giá tăng 30% so với ngày thường nhưng lượng tiêu thụ vẫn tăng mạnh.
Trái ngược với hoa quả, giá các loại thực phẩm tươi sống chỉ tăng nhẹ. Qua khảo sát các chợ trên địa bàn, giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gà, thịt heo, hải sản... tăng không đáng kể. Thịt heo vẫn ở mức 80.000-100.000 đồng/kg; gà ta sống 110.000 đồng/kg; gà đồi từ 150.000-160.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn 80.000 đồng/kg. Riêng giá thịt bò đã tăng thêm khoảng 15-20%, từ 300.000 đồng/kg trở lên tùy loại. Trong khi đó, giá rau xanh tiếp tục giảm trong nhiều ngày gần đây. Nguyên nhân do thời tiết không quá lạnh, rau sinh trưởng nhanh, nguồn cung dồi dào trong khi mặt hàng này phải ngày 29, 30 Tết người dân mới mua nhiều. Bắp cải chỉ có giá 5.000 đồng/cây, rau cải cúc 1.000 đồng/mớ, cà chua 10.000 đồng/kg... Còn giá các loại bánh kẹo, mứt, ô mai... ổn định, nguồn cung nhiều. Năm nay, người dân chủ yếu lựa chọn bánh kẹo trong nước do các công ty sản xuất nhiều, mẫu mã đẹp, giá lại hợp lý, ổn định. Các loại bánh kẹo ngoại nhập đắt tiền nên tiêu thụ chậm, dự báo giá cũng không tăng.
TP. Hồ chí Minh: Siêu thị đông nghịt người mua
Mãi lực tại các siêu thị Co.opMart, Big C, Maximark trên địa bàn TPHCM tăng đột biến. Trong đó, các mặt hàng được người tiêu dùng chọn mua nhiều gồm mứt Tết, bánh kẹo, bia, nước ngọt, thực phẩm tươi sống.
Đại diện các siêu thị cho biết, mãi lực trong mấy ngày qua (từ 23/12 âm lịch đến nay) tăng 2-2,5 lần so với ngày bình thường. Đáng chú ý, từ ngày 28/1 đến trưa 29/1, mãi lực tại hệ thống siêu thị Co.opMart tăng gần 3 lần so với ngày bình thường.
Hệ thống siêu thị Big C sẽ mở cửa phục vụ khách đến hết 12 giờ trưa 30/1 (30/12 âm lịch); sau đó mở cửa hoạt động bình thường trở lại vào ngày 2/2 (mùng 3 tết). Ngoài ra, trong giai đoạn cao điểm (từ ngày 23-30/12 âm lịch), Big C sẽ mở rộng khung giờ mở cửa từ 0,5 đến 2 giờ.
Ghi nhận tại một số chợ như Nhật Tảo, Hồ Thị Kỷ (Quận 10), chợ Bà Điểm (Hóc Môn)… giá thịt heo, rau các loại đã tăng 5.000-10.000 đồng/kg, tùy mặt hàng. Chẳng hạn như, thịt nạc heo cách đây 4 ngày có giá 80.000 đồng/kg, trưa 29/1 có giá 95.000-100.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 145.000-150.000 đồng/kg (tăng gần 30.000 đồng/kg so với cách đây 2 ngày); thịt bò tăng khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, ở mức 270.000 đồng/kg. Rau muống, rau xà lách cũng tăng 2.000-3.000 đồng/kg.
Theo tiểu thương, tình trạng tăng giá đột biến vào thời điểm này mang tính chất “đến hẹn lại lên”, dù rằng lượng rau củ, thực phẩm tươi sống về các chợ đầu mối TPHCM khá dồi dào.
Theo Chinhphu.vn