Năm 2010, các phiên giải trình bắt đầu được thực hiện tại một số Ủy ban của QH với không ít băn khoăn, đắn đo và cả e ngại. Nhưng đến nay, phiên giải trình đã được tổ chức tại tất cả các cơ quan của QH, đặc biệt trong năm 2012 - 2013. Giải trình đã thực sự trở thành công cụ tạo nền tảng cho sự công khai, minh bạch trong hoạch định và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật ngay từ các “công xưởng” của QH.
Những e ngại không đáng có
Mặc dù đã được quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 1992 nhưng đến trước năm 2014 hoạt động giải trình tại các cơ quan của QH mới chỉ được quy định mang tính nguyên tắc trong Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH. Điều này lý giải cho những khó khăn của Ủy ban Về các vấn đề xã hội khi quyết định tổ chức Phiên giải trình đầu tiên về chính sách giảm nghèo ngày 21.4.2010.
Đầu tháng 4.2010, một số cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải thông tin sẽ tiến hành phiên điều trần đầu tiên tại Ủy ban của QH. Thuật ngữ “điều trần” khi ấy còn khá xa lạ với nước ta và gây cảm giác “đối đầu”, “truy trách nhiệm”… nên nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã tỏ rõ sự e ngại khi nhắc đến hoạt động này. Sau đó, Ủy ban phải giải thích rõ, đây là phiên giải trình, không phải là phiên điều trần.
Dẫu vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi, ở thời điểm đó, vẫn có nhiều ý kiến, trong đó có cả các chuyên gia lập pháp cũng đặt vấn đề: tại sao phải giải trình? Giải trình như thế nào? Quy trình, thủ tục và hệ quả pháp lý của giải trình ra sao? Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, thành viên Chính phủ đầu tiên sẵn sàng tham gia Phiên giải trình của Ủy ban khi đó chính là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nay là Chủ tịch QH đương nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chính sự sẵn sàng của Bộ trưởng đã góp phần quan trọng làm nên thành công và hiệu ứng lan tỏa của Phiên giải trình đầu tiên này. Chính sách giảm nghèo, những khó khăn và khúc mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách, đặc biệt là nguồn lực để thực hiện đã được các thành viên Ủy ban và các khách mời, các cơ quan quản lý nhà nước phân tích, mổ xẻ kỹ càng. Nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách giảm nghèo hiện nay đã được chắt lọc và ra đời từ phiên giải trình này.
Ủy ban Kinh tế cũng là một trong những cơ quan tiến hành phiên giải trình sớm nhất. Ngay trước Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XII, Ủy ban này đã tổ chức phiên giải trình về một số vấn đề trong tổ chức hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, người điều khiển Phiên giải trình lúc đó, đã nêu rất rõ tính chất của hoạt động này để các thành viên Chính phủ đỡ căng thẳng, bình tĩnh giải đáp thỏa đáng những vấn đề nóng mà ĐBQH, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, lúc đó cũng chỉ có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trực tiếp giải trình, còn Bộ trưởng Bộ Tài chính không tới dự, thậm chí, không cử lãnh đạo Bộ giải trình mà chỉ cử một cán bộ cấp vụ tham gia. Kể lại chuyện này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, do luật chưa quy định cụ thể nên cách hiểu về giải trình còn rất khác nhau và chính sự khác nhau đó đã dẫn đến những e ngại không đáng có.
Ông Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, kể từ sau Phiên giải trình về hoạt động của ngân hàng, trong nhiệm kỳ Khóa XIII, Ủy ban Kinh tế đã đều đặn tổ chức các phiên giải trình với nội dung rất phong phú, từ bong bóng thị trường bất động sản, những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đến những vấn đề nóng bỏng trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Ban đầu, các phiên giải trình chỉ có các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, sau đó, mở rộng dần tới việc mời chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, đối tượng có liên quan, người dân, doanh nghiệp… Điều quan trọng nhất, theo ông Phúc là, sau các Phiên giải trình này, Ủy ban đã nghe được tiếng nói cụ thể, chân thực, sinh động và đa chiều về các vấn đề mà Ủy ban quan tâm hoặc các vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc để tìm ra giải pháp thỏa đáng và hiệu quả.
Đơn cử như Phiên giải trình về thị trường bất động sản, sự cọ xát và thẳng thắn trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã được Ủy ban cân nhắc, sàng lọc và đi đến kiến nghị về việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội để vừa bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn vừa bảo đảm nhà ở cho những người thực sự có nhu cầu. Chính sách này còn góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Cởi mở hơn, thực chất hơn
6 năm qua, mặc dù cũng vẫn còn có ý kiến lấn cấn về hoạt động giải trình tại cơ quan của QH, song, có một thực tế không thể phủ nhận là, các phiên giải trình với bản chất là Ủy ban của QH nghe các bên liên quan trình bày, giải thích cặn kẽ về một vấn đề nào đó, đã khẳng định, đây là phương thức hoạt động hiệu quả cần được phát huy tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.
Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 cũng đã dành riêng Điều 43 để quy định về quy trình, thủ tục, đối tượng tham gia giải trình và cách thức tiến hành một phiên giải trình tại các cơ quan của QH. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng giải tỏa những vướng mắc về tâm lý, những “e ngại không đáng có” của các đối tượng liên quan, đặc biệt là các đối tượng có trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là, với việc giải thích khái niệm “giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát”, dường như Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã “định danh” đây chỉ thuần túy là một phương thức giám sát của các cơ quan của QH.
Điều này khiến một số ý kiến lo ngại rằng, hoạt động giải trình có thể sẽ bị “bó hẹp” lại giữa cơ quan của QH và cơ quan quản lý nhà nước với hệ quả pháp lý là quy trách nhiệm cụ thể của các cơ quan phải giải trình. Mà khi đã “quy trách nhiệm” thì rất có thể, tính khách quan, trung thực, cởi mở và đa chiều của Phiên giải trình sẽ giảm.
Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi mà, thực tế đã cho thấy, việc không bị ràng buộc về trách nhiệm trong giải trình chính là cơ sở để Ủy ban của QH “nghe” được nhiều hơn, thực chất hơn tiếng nói của cơ quan quản lý, đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, từ đó, mổ xẻ cặn kẽ, tường tận một vấn đề.
Vì thế, cùng với quy trình, thủ tục tiến hành giải trình đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức các phiên giải trình trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH hoàn toàn có thể sử dụng công cụ này một cách thường xuyên hơn nhưng cần cởi mở và thực chất hơn nữa. Công khai, minh bạch, cởi mở và thực chất, đó cũng chính là sức mạnh của các phiên giải trình tại "công xưởng" của QH.
Theo daibieunhandan.vn