(Baonghean) - Những tấm gương, những cách “làm theo” thiết thực, hiệu quả trên khắp mọi miền trong tỉnh đang tạo sức lan toả mạnh mẽ, bước chuyển biến căn bản trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Chỉ thị 03/CT-T.Ư.

Lên xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông) hỏi thăm ai cũng biết cô giáo La Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Môn Sơn 3, một người yêu nghề, mến trẻ, người góp phần tích cực đưa con chữ về với dân bản. Cô quan niệm: Muốn cho đồng bào thoát nghèo, giảm lạc hậu thì đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao dân trí là quyết định nhất. Nghĩ vậy nên là người con Đan Lai, cô trăn trở trước thực tế bà con vùng sâu, vùng xa biên giới còn khó khăn, lạc hậu, trong đó có bà con Đan Lai của mình, vì vậy, sau khi tốt nghiệp cô nguyện dồn hết tâm huyết, trách nhiệm để đưa con chữ về với bản làng. Ngoài thời gian đảm bảo theo chương trình của nhà trường, ngày nghỉ, ngày hè cô đều tranh thủ đến từng nhà tìm hiểu thực tế cuộc sống khó khăn, vận động các em tới lớp đầy đủ. Có những hộ nghèo, quá khó khăn, cô tình nguyện trích một phần lương của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em.

Cô Hằng tâm sự: “Ngay từ hồi cấp hai, tôi đã nung nấu ý nghĩ là sau này lớn lên sẽ trở thành một cô giáo tốt, đưa cái chữ về làng dạy cho các em, phục vụ bản làng. Biết cái chữ, dân bản sẽ nhanh biết trồng lúa nước, trồng ngô tốt hơn; cái nghèo, cái đói, lạc hậu nhanh chóng bị đẩy lùi…”. Những nỗ lực trong chuyên môn, trau nghề, tâm huyết yêu nghề, mến trẻ, cô Hằng được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm liền, cô được gọi là “người đưa chữ về làng” cho đồng bào Đan Lai, là tấm gương sáng của ngành Giáo dục.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ với đảng viên Chi bộ xóm 8, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).

Với Thiếu tá Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ (Quế Phong) thì việc vận động nhân dân các bản trồng cây chanh leo thành công thêm một lần nữa chứng tỏ năng lực, tâm huyết gắn bó với đồng bào vùng cao của mình. Sinh ra ở vùng biển Quỳnh Lưu, nhưng đất “dụng võ”  của anh là vùng vúi cao, biên giới, nơi có đồng bào nghèo đang sinh sống. Từ một sỹ quan, chiến sỹ biên phòng, biên chế trong đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tri Lễ, rồi Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Thiếu tá Đàm Thiên Thương đã tự nguyện lên sinh hoạt chi bộ ghép với các đảng viên, đồng bào Mông bản Nậm Tột, rồi xuống với bà con Khơ mú bản Tà Pàn, bây giờ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ. Dù ở đâu, làm gì, cương vị nào, Thiếu tá Đàm Thiên Thương vẫn vẹn nguyên tố chất Bộ đội Cụ Hồ, gắn bó tâm huyết với bà con, đưa tất cả khả năng, năng lực của mình thực hiện ước nguyện góp một phần nhỏ bé để bà con đồng bào trên tuyến biên giới vơi đói nghèo, bớt vất vả hơn. Từ tâm nguyện và trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Thiếu tá Đàm Thiên Thương đã đề xuất, tham gia tích cực để đưa cây lúa nước 2 vụ chịu lạnh lên với bà con bản Nậm Tột, đưa cây chanh leo “bén duyên” với bà con các bản của xã Tri Lễ, đưa cây mía hàng hoá lên với bà con bản Mông vùng Minh Châu, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, không di dịch cư tự do, trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện…

Cũng là những gương sáng trong đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đối với lực lượng công an nhân dân thì gương những chiến sỹ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” bằng lòng dũng cảm, mưu trí trong việc triển khai thực hiện các chuyên án. Đại úy Nguyễn Thành Nhân mới về nhận công tác tại Công an huyện Quỳnh Lưu từ năm 2003, nhưng đã tham gia chủ trì nhiều chuyên án lớn, đấu tranh, truy bắt nhiều tội phạm nguy hiểm, trả lại bình yên cho nhân dân. Tiêu biểu là vụ án trộm cắp phụ kiện đường sắt Bắc – Nam, phá án bắt đối tượng Lê Văn Phương, nhân viên trong ngành đã đánh cắp 283 phụ kiện đường sắt. Sau quá trình điều tra, Đại úy Nhân và đồng đội đã thu thập đầy đủ chứng cứ, phát giác được hành vi phạm tội nghiêm trọng của đối tượng. Nguyễn Thành Nhân còn là “thủ lĩnh” thanh niên của Chi đoàn Công an huyện Quỳnh Lưu, là lực lượng chủ công trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học, góp phần làm giảm được tỷ lệ học sinh vi phạm pháp luật, giúp các em học sinh cá biệt trở thành người tốt, không tái phạm.

Với Trung uý Trần Văn Ngà - Đội phó Đội hình sự Công an Nghĩa Đàn thì lại thể hiện rõ bản lĩnh quyết tâm vượt khó, không chịu bó tay, lùi bước trước nhiệm vụ được giao, vừa gắn bó với địa bàn, gần gũi với dân, mưu trí dũng cảm phá nhiều chuyên án quan trọng, đưa ra ánh sáng một số đối tượng phạm tội nguy hiểm, góp phần loại trừ kẻ ác cho xã hội. Trung uý Trần Văn Ngà được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Nghĩa Đàn tuyên dương, khen thưởng.

Còn nhiều tấm gương, điển hình đã xuất hiện, tạo sức lan toả lớn trong xã hội như: lương y Nguyễn Trọng Phùng ở xã Minh Sơn (Đô Lương) đã tình nguyện đóng góp 750 triệu đồng xây dựng gần 600m đường bê tông liên xóm, hay đồng chí Võ Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đã ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” của xã…

Triển khai Chỉ thị 03/CT-T.Ư, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rất nhiều tấm gương cá nhân, tập thể có những cách “làm theo” hiệu quả được phát hiện và nhân rộng. Tựu trung lại, đó là xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ “làm theo” với nội dung giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; sửa đổi lề lối làm việc gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các đơn vị thuộc Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh nhận giúp đỡ 46 xã, bản khó khăn vùng sâu, vùng xa; các cơ quan đơn vị huyện Anh Sơn hỗ trợ, giúp đỡ 61 xóm, bản nghèo của huyện.

Đẩy mạnh cuộc vận động gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khắp nơi trên địa bàn tỉnh, phong trào hiến đất mở đường làm giao thông nông thôn đã thực sự mạnh mẽ, sâu rộng. Cán bộ, giáo viên Trường Đại học Vinh ủng hộ mỗi người 2 ngày lương để xây dựng Trạm Y tế xã Châu Thái (Quỳ Hợp). Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng xây mới và sửa chữa 233 ngôi nhà cho hộ hội viên nghèo, tặng 279 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Tuổi trẻ toàn tỉnh quyên góp được trên 600 triệu đồng để “góp đá” xây dựng Trường Sa, xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn, trao 1.356 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ” trị giá 623 triệu đồng, phát động nhiều phong trào như “Tuổi trẻ tình nguyện” hiến máu, tiếp sức mùa thi, khám phát thuốc chữa bệnh miễn phí với giá trị hơn 310 triệu đồng… Một số đơn vị y tế duy trì mô hình “bát cháo tình thương cho người nghèo” như Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Tây Nam, Anh Sơn, Quỳnh Lưu. Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 (Quỳ Châu) duy trì “Bữa ăn trưa tình thương” cho các cháu học sinh con em các gia đình nghèo.

Các huyện, thị uỷ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức đã duy trì chào cờ, nhận xét công việc, vệ sinh khuôn viên, quy định không uống rượu bia vào buổi trưa và giờ hành chính... như Thị uỷ Cửa Lò, Huyện uỷ Anh Sơn, Huyện ủy Nghi Lộc. Cụ thể, thiết thực hơn những việc “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Công an Nghi Lộc và một số đơn vị khác đã tình nguyện làm thêm ngày thứ 7, tận tình, tận tâm đến tận nhà làm chứng minh như nhân dân, làm hộ khẩu cho các đối tượng chính sách, người già, người tàn tật.

Có thể nói, sau khi có Chỉ thị 03/CT-T.Ư, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Thực hiện cuộc vận động gắn với công tác tự phê bình và phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đó các đơn vị, các tổ chức đã rà soát, xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-T.Ư, đồng chí Đinh Thế Huynh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét: “Đa số cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về vai trò của đạo đức đối với cá nhân và xã hội, nhân dân đòi hỏi khắt khe hơn đối với cán bộ đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện và công tác; từ đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến điển hình trong học tập và làm theo Bác, bước đầu tạo sự lan toả và tác động tích cực trực tiếp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Nghệ An cần phải đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm tự giác, thường xuyên của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với việc xác định rõ trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức gắn với công tác kiểm điểm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hữu Nghĩa