(Baonghean) - Tràn ngập niềm vui, tràn ngập cảm xúc,  lắng đọng, vinh dự và tự hào…, đó là tâm trạng chung của các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đợt 1 sau khi thực hiện Chỉ thị 03/BCT.

Sau hơn 2 năm phát động, cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết với tinh thần trách nhiệm cao của đông đảo các cộng tác viên, các nhà báo chuyên nghiệp và các hội viên Hội VHNT tỉnh nhà với hàng trăm tác phẩm thuộc đủ các thể loại. Trên lĩnh vực báo chí tính từ tháng 5/2011 đến 20/4/2013, Ban tổ chức đã nhận được hơn 50 tác phẩm của các cơ quan báo chí trong tỉnh và cộng tác viên gửi bài tham gia dự thi.

Trong đó có 48 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo thể lệ, gồm 31 tác phẩm báo in, 4 tác phẩm báo điện tử, 7 tác phẩm báo hình và 6 tác phẩm phát thanh. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh thì: So với những lần trước, cuộc vận động lần này có số lượng tác phẩm dự thi nhiều hơn, chất lượng cũng tốt hơn. Tác giả dự thi rất đa dạng, từ nhà báo, nhà văn, nhà thơ đến các cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Điều đó chứng tỏ, cuộc thi viết đã có sức lan tỏa, thẩm thấu sâu rộng trong đời sống xã hội. Nhìn chung, các tác phẩm đều tập trung ca ngợi, làm nổi bật một cách sống động tư tưởng, đạo đức, tấm gương Hồ Chí Minh; phản ánh sinh động, chân thực việc tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và các điển hình tiên tiến với những cách làm, việc “làm theo” sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Trao giải B cho các cá nhân đạt giải Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Sỹ Minh

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan và trách nhiệm, Hội đồng thẩm định các tác phẩm báo chí đã chọn được 14 tác phẩm thuộc 4 loại hình báo chí đề nghị Ban tổ chức cuộc vận động của tỉnh khen thưởng, bao gồm: Báo in (1 giải A,1 giải B, 2 giải Khuyến khích); Báo Điện tử (1 giải B, 2  giải Khuyến khích); Báo hình (1 giải A, 1 giải B, 2 giải Khuyến khích); Bbáo nói (1 giải B, 2 giải Khuyến khích).

Nhân vật trong bài viết đều là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, hoạt động từ thiện xã hội, xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương... Nhiều tác phẩm để lại dấu ấn cho bạn đọc, có tính lan tỏa và thuyết phục cao trong xã hội như: tác phẩm “Chuyện gần dân, hiểu lính của một Đại tá công an” (tác giả Việt Long, Báo Nghệ An); “Ông Hòa phản biện” (tác giả Việt Thắng, Báo Lao động); “Về Sơn Thành xây dựng nông thôn mới” (tác giả Nhật Lân, Báo Nghệ An); tác phẩm truyền hình “Tấm lòng dành cho Bác kính yêu” (nhóm tác giả Quỳnh Trang- Cảnh Toàn, Đài PTTH Nghệ An), “Ông Vĩnh- Người của công việc” (nhóm tác giả Mai Sao - Lê Đồng, Đài PTTH Diễn Châu); tác phẩm phát thanh “Chuyện một người Mông làm theo Bác” (tác giả Hiến Chương- Đài PTTH Nghệ An)....

Cuộc vận động sáng tác lần này  cũng được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hưởng ứng với nhiều thể loại: chùm thơ, tiểu thuyết, ảnh nghệ thuật, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật. Nhiều tác phẩm đã tập trung khắc họa và làm nổi bật hình tượng Bác Hồ cũng như thể hiện được nhân vật là những người bình thường nhờ học tập, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành các điển hình, nhân tố mới trong cuộc sống, lao động, học tập và sáng tạo hôm nay. Trong gần 90 tác phẩm  tham gia dự giải, Ban tổ chức đã trao 3 giải A; 6 giải B; 10 giải Khuyến khích, trong đó có những tác phẩm có sức lan tỏa, được công chúng đón nhận như chùm thơ: “Về với Truông Bồn”, “Trước ngôi nhà lịch sử”, “Dáng cầu huyền thoại” của tác giả Vân Anh; Tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” của tác giả Thế Quang; Ảnh nghệ thuật “Về với mẹ làng Sen” của tác giả Bùi Xuân Lương….

Lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của các tác giả đạt giải, chúng tôi cảm nhận sâu sắc để có những bài viết, những phóng sự, những tác phẩm VHNT phản ánh chân thực, sinh động về hình tượng Bác Hồ, về những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phóng viên, cộng tác viên, nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh đã phải lăn lộn thực tế, bám địa bàn, bám cơ sở, đồng hành cùng nhân vật. Với lối dẫn dắt sinh động, dung dị, chọn được những chi tiết đắt, chân dung Đại tá công an Nguyễn Hữu Cầu được khắc họa trong tác phẩm đạt giải A thể loại báo in của tác giả Việt Long (Báo Nghệ An) là một người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự gần dân và hiểu lính.

Để có những chi tiết đắt như thế, tác giả Việt Long không chỉ nghe kể mà thực sự đã có mặt tại hiện trường, tiếp xúc và chứng kiến lời nói và hành động của nhân vật chính, chọn những chuyện cụ thể từ thực tế của đồng chí đại tá công an gần dân, hiểu lính để viết và anh đã thành công. Còn nhân vật chính trong tác phẩm “Một người Mông làm theo lời Bác” của tác giả Hiến Chương (Đài phát thanh truyền hình tỉnh) là Chủ tịch xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) Hờ Chống Nhìa mà chị tình cờ gặp trong một chuyến đi công tác miền núi. Được Ban tổ chức đánh giá cao và chấm giải B bởi tính lan tỏa, chân thực và thuyết phục của điển hình được khắc họa. Trong lĩnh vực VHNT, tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” của tác giả Nguyễn Thế Quang đã được đông đảo công chúng đón nhận và được đánh giá cao. Tác phẩm này cũng giành giải C của Ban tổ chức giải cấp Trung ương…

“Về tham dự lễ trao giải lần này, với mỗi tác giả, đặc biệt là phóng viên báo đảng chúng tôi không chỉ là để chia sẻ niềm vui mà còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, cách truyền tải nhân rộng các điển hình học tập và làm theo gương Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thiết thực đưa Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống”- Phóng viên trẻ Thanh Phúc (Báo Nghệ An), người giành 2 giải Khuyến khích chia sẻ…

Khánh Ly