(Baonghean) - Trường Tiểu học Diễn Yên 1 là một trong những trường được đánh giá thực hiện tốt Chỉ thị 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị “về tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển Đảng viên trong trường học” của huyện Diễn Châu. Sau 15 năm thực hiện chỉ thị, Trường Tiểu học Diễn Yên I trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An, xây dựng đội ngũ giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, có số lượng học sinh giỏi nhiều nhất huyện.

Trường Tiểu học Diễn Yên I tiền thân là Trường Yên Mỹ, được thành lập từ năm 1950, đến nay trường đã có bề dày truyền thống 64 năm. Với địa bàn dân cư trải rộng ở 17 xóm với gần 3.300 hộ, hơn 15.500 nhân khẩu, trong đó có 415 hộ, hơn 2.000 người theo đạo Thiên Chúa, thuộc Giáo xứ Yên Lý. Nhân dân Diễn Yên giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Đây cũng là quê hương của bậc tiền bối Phùng Chí Kiên, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, là 1 trong 2 vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Hiện tại, Trường Tiểu học Diễn Yên I có 28 lớp, 44 cán bộ giáo viên và 795 học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy, cô giáo luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Người thầy giáo không chỉ dạy bằng công thức sẵn có mà phải bằng tất cả tâm hồn mình!”. Bởi vậy, giáo viên nào cũng nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, yêu nghề, mến trẻ, gương mẫu và tân tụy với công việc được giao. Thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường có nhiều cách làm hay để tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo phấn đấu, trưởng thành. 

Tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi của đảng viên, giáo viên giỏi tỉnh Nguyễn Thị Lương, Trường Tiểu học Diễn Yên I (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu).
Tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi của đảng viên, giáo viên giỏi tỉnh Nguyễn Thị Lương, Trường Tiểu học Diễn Yên I (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu).

Chi bộ tham mưu cho Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề về công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ sở trường lớp, huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi, mở hội thảo viết sáng kiến kinh nghiệm (SNKN) đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Thông qua đó, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông, phòng chống ma túy, giáo dục kỹ năng cho học sinh, tổ chức tốt các hoạt động ngoài trời, vừa thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia, vừa tạo được không khí vui tươi, đầm ấm, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chọn những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng. Kiện toàn củng cố các tổ chức quần chúng vững mạnh.

Từ suy nghĩ vào Đảng không phải là được đề bạt nâng lương mà được làm việc cống hiến nhiều hơn, tốt hơn, xây dựng cơ sở trường lớp khang trang, có nhiều giáo viên, học sinh đỗ đạt cao hơn. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chị thị 34, Ban Giám hiệu, Cấp ủy chi bộ nhà trường đã chỉ đạo hướng dẫn các tổ chuyên môn, các đoàn thể quần chúng đề ra nhiều biện pháp và việc làm thiết thực, tạo môi trường thuận lợi để các thầy, cô giáo công tác, giảng dạy tốt. Thông qua học tập, quán triệt Chỉ thị 34, công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng con người mới XHCN, được xã và trường quan tâm làm tốt. Cả 4 cơ sở giáo dục trong xã đều tạo được bề nổi và chọn lựa những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào đảng. Việc phân công bố trí kèm cặp, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng được chi bộ nhà trường quan tâm. Hàng tháng, đảng viên được phân công bồi dưỡng người vào Đảng phải báo cáo trước chi bộ về sự phấn đấu tu dưỡng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của người được giới thiệu vào Đảng, mặt mạnh thì phát huy, mặt còn yếu thì chỉ ra để người phấn đấu vào Đảng sửa chữa và rèn luyện thêm. Hình ảnh người giáo viên nhân dân được đề cao, coi trọng, bản thân người được giới thiệu vào Đảng thấy được nhiệm vụ cao cả của mình nên luôn chú trọng đến công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp công sức trí tuệ, xây dựng cơ sở vật chất trường học ngày càng phát triển. Ngoài việc bám trường bám lớp, họ còn tranh thủ thời gian về các xóm, cùng với Hội Cha mẹ học sinh, các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động trẻ đến trường, duy trì việc học ở nhà, ở tổ. Người cảm tình đảng còn là đầu tàu gương mẫu, lôi cuốn mọi phong trào, nhận dạy học sinh nghèo, con em vùng giáo, mua máy vi tính để soạn bài, làm giáo án.

Nhờ vậy, trường đã tạo được bước chuyển về phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện tốt cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung lớn, xây dựng mái trường trong lành, yên vui. Các phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng học tập, văn hóa, thể thao được duy trì. Công tác nghiên cứu đề tài khoa học, viết SKKN được trường luôn quan tâm, chú trọng. Chỉ tính trong 6 năm qua, trường có hơn 200 SKKN cấp trường, 50 SKKN cấp huyện và 4 SKKN cấp tỉnh. Các hoạt động ngoài trời, tạo sân chơi cho giáo viên, học sinh như: “Hội khỏe Phù Đổng”, “Rung chuông vàng”, “Giúp đỡ bạn nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn” đều được giáo viên, học sinh tham gia đầy đủ. Đội ngũ giáo viên của trường được chăm lo. Hè nào, nhà trường cũng cử từ 2 đến 3 giáo viên đi học nâng cao ở các trường đại học, dự các lớp chuyên đề thay sách ở tỉnh, ở huyện.  Giáo viên mới vào nghề được Ban Giám hiệu quan tâm từ việc soạn bài, làm giáo án đến việc hướng dẫn cách đứng lớp, giảng dạy. Để tạo mũi nhọn học sinh giỏi, trường bố trí những giáo viên giỏi, am hiểu sư phạm, những đảng viên trẻ trực tiếp dạy những lớp đầu cấp, cuối cấp, hàng tháng xét chọn học sinh năng khiếu từng bộ môn để bổ sung vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Đối với hơn 100 học sinh nghèo, con thương binh thì lập danh sách đề nghị UBND xã miễn các khoản đóng góp, xây dựng trường lớp. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể quần chúng, các dòng họ trong xã lập quỹ khuyến học, nơi ít 5 triệu đồng, nơi nhiều 15 triệu đồng.

Hiệu trưởng nhà trường, bí thư chi bộ, cô giáo Đặng Thị Anh Đào cho biết: “Hiệu quả thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị là rất lớn. Xã và trường không những hoàn thành sớm chương trình kiên cố hóa trường học, huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 98% mà còn tạo được đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi đông nhất huyện, có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 60% trên chuẩn. Hiện tại trường có 2 dãy nhà cao tầng khang trang, nhà chức năng với trang, thiết bị được đầu tư hiện đại đồng bộ, tọa lạc trên diện tích 14.000 m2, có sân chơi, bãi tập rộng rãi. Trường có đủ phòng học, phòng làm việc, phòng thư viện với hơn 2.000 đầu sách, hệ thống Internet được kết nối với tất cả các máy trong nhà trường. 3 năm qua, phụ huynh và học sinh đóng góp 115 triệu đồng để mua thêm sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Xã và nhà trường bằng nhiều nguồn huy động đã đầu tư xây dựng phòng máy vi tính gồm 13 máy và 3 máy chiếu, máy in. Hiệu trưởng, hiệu phó được trang bị máy vi tính phục vụ cho công tác quản lý. Nếu như năm đầu thực hiện Chỉ thị 34 (1998), trường chỉ có 10 đảng viên, số giáo viên giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay chi bộ nhà trường có hơn 30 đảng viên và 27 giáo viên giỏi các cấp. Học sinh giỏi huyện hàng năm có từ 113 đến 130 em. Trong đó năm học 2013 – 2014 có 2 em Hồ Thúy Hiền và Lê Đức Trung là học sinh giỏi tỉnh... Năm 2012, Trường Tiểu học Diễn Yên I vinh dự được tỉnh công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Chi bộ nhà trường liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ xã Diễn Yên và Huyện ủy Diễn Châu. 

Bài, ảnh: Lê Hoài Thung