(Baonghean) - Dòng bàu Sừng (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) uốn lượn, quanh năm ăm ắp nước trong xanh, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình cho vùng quê yên bình này. 

Bàu Sừng - hình ảnh nên thơ của xã Lăng Thành.
Bàu Sừng - hình ảnh nên thơ của xã Lăng Thành.

Theo chân ông Hoàng Danh Thọ -Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, chúng tôi men theo con đường đất chạy dọc hai bên bờ bàu Sừng, thả hồn vào khung cảnh tĩnh lặng, bình yên của vùng quê lúa... Bàu Sừng mùa này, mặt nước tĩnh lặng, trong xanh, in bóng những hàng cây ven đường. Hai bên bờ bàu Sừng, phía thượng nguồn hiện rõ bạt ngàn rừng lim xanh ngắt, phía dưới là khu dân cư đông đúc, là nghĩa trang liệt sỹ, trường học, giếng làng, bến nước. 

Ông Thọ nói, không phải tự nhiên mà Lăng Thành có bàu nước quý giá này, đây chính là công lao to lớn của một người phụ nữ trong xã. Cách đây hàng trăm năm, bà Thái Thị Liệt là người con gái Lăng Thành, lấy quan tri phủ ở xã Phúc Thành. Sau nhiều năm chung sống với chồng, do không có con, bà Liệt trở về quê mẹ. Về quê, bà mở quán bán nước ở khu vực khe Su (sâu) trên tuyến đường Sen - Sở. Ngay chỗ quán nước, có một suối nước nhỏ, chia làm 2 nhánh: nhánh chảy về làng Giai, xã Hùng Thành và nhánh chảy về khe Lở, xã Lăng Thành. Thời điểm đó, nông dân xã Lăng Thành thường thiếu gạo ăn, do mùa màng thất bát, vì đất đai khô hạn, không có nước tưới.

Thương người nông dân, bà Liệt tìm cách ngăn nhánh nước chảy về làng Giai, tập trung toàn bộ nguồn nước khe Su chảy về khe Lở. Hàng ngày bà bỏ một ít tiền, vận động đám trẻ đi chăn bò chặt củi bán cho bà để bỏ xuống khe ngăn dòng nước. Kể từ đó, toàn bộ dòng nước khe Su đổ về khe Lở, xuống bàu Sừng. Bàu Sừng khi đó chỉ là cái khe nhỏ, bà con lấy nước lên tưới cho đồng ruộng. Lâu dần, do tác động của thời tiết, môi trường, cái khe đó bồi lở thành bàu Sừng hôm nay. Biết ơn bà Thái Thị Liệt, cách đây gần trăm năm, người dân xã Lăng Thành xây dựng một ngôi đền bên bờ bàu Sừng, sát với cánh đồng Làng Giữa để thờ bà. Dâu bể thời gian, đến không còn, hiện nay nhân dân địa phương vẫn thờ cúng bà trên nền đất của ngôi đền cũ.

Vì sao gọi là bàu Sừng? Người dân Lăng Thành giải thích: Sừng, nghĩa là Kẻ Sừng, Kẻ Sọt. Vùng Kẻ Sừng, Kẻ Sọt trước đây thuộc các xã: Lăng Thành, Hồng Thành, Phú Thành và một phần của xã Thọ Thành. Bàu Sừng trước đây bắt nguồn từ khe Lở, dưới chân động Mồng Gà, cắt ngang qua xã Lăng Thành, xuôi xuống xã Hồng Thành, Phú Thành rồi đổ ra sông Bùng đoạn qua cầu Bà ở xã Diễn Thái (Diễn Châu), dài chừng 15 km. Sau này, xã Lăng Thành đắp cái bờ chắn ngang bàu, phía sau đình Sừng, gọi là bờ Đàng để giữ nước sản xuất. 

Tính từ thượng nguồn đến hạ lưu, bàu Sừng hiện chỉ còn dài hơn 7 km, chỗ rộng nhất có tới 100 m, chỗ nước sâu nhất phải nối 3 cái sào mới tới đáy. Chỗ sâu nhất gọi là Rộc Bung, hai bên bờ có nhiều hang đá, lâu nay người dân truyền rằng, có con rùa lâu năm, mai to bằng cái mâm, đầu giống như đầu chó, nhiều người đi làm đồng ngang qua thấy rùa nổi, nhưng không thể bắt được, vì nước sâu, không ai dám xuống. Hiện nay, địa phương tạo điều kiện cho một số người dân nuôi thả cá trên bàu Sừng, nhằm quản lý tốt nguồn sinh thái và phát triển kinh tế. Có nguồn nước tưới từ bàu Sừng, người nông dân xã Lăng Thành quanh năm làm ruộng mùa màng bội thu, đời sống người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt xóm làng càng thêm khởi sắc. Bây giờ, hai bên bàu Sừng là 106 ha lim trên trăm tuổi. Rừng lim Lăng Thành hiện đang được các cấp, ngành, địa phương đưa vào quản lý thành khu rừng đặc dụng. Như vậy, bàu Sừng gắn liền với rừng lim, tạo thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Yên Thành trong tương lai.

Bàu Sừng không chỉ đơn thuần cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha đất sản xuất, trước đây còn cung cấp nước sinh hoạt cộng đồng của hàng trăm hộ dân các xóm: 3, 4, 5, 6, 7, 8 của xã Lăng Thành, mà còn là cái “túi” nước mỗi khi mưa lũ xảy ra ở khu vực thượng nguồn. Bàu Sừng gắn bó với biết bao đời người nơi đây, là hình ảnh thơ mộng, gần gũi, thân quen đối với con em Lăng Thành mỗi khi xa quê hay trở về. 

Xuân Hoàng