Loại hình mê tín dị đoan
Kuman Thong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, Kuman Thong có nghĩa là “cậu bé vàng” hay còn gọi là “Quỷ linh nhi”. Kuman Thong được tạo ra bằng cách lấy bào thai ra khỏi xác người mẹ, sau đó thầy phù thủy đưa đến nghĩa trang để tiến hành lễ gọi hồn Kuman Thong. Đó được coi là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tình mẫu tử.
Thế nhưng sau đó, ý nghĩa này bị nhiều kẻ xấu thêu dệt biến tướng, cho rằng Kuman Thong có thể đem lại may mắn, tài lộc hòng lừa gạt người nhẹ dạ, mục đích kiếm tiền bất chính. Khi du nhập vào Việt Nam, những con búp bê này bỗng nhiên được "hù" lên thành một loại bùa ngải và trở thành công cụ kiếm tiền của nhiều người.
Thời gian gần đây, hiện tượng “búp bê Kuman Thong” xuất hiện ở một số tỉnh, thành gây hoang mang dư luận xã hội, diễn biến ngày càng phức tạp theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, kèm theo việc lợi dụng để trực lợi phi pháp. Việc thờ cúng “Búp bê Kuman Thong” xuất hiện tại một số địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Nghệ An, Ninh Thuận.
Hiện trên địa bàn tỉnh chưa thống kê cụ thể người thờ cúng, mua bán các loại búp bê này bởi việc thờ cúng diễn ra tại gia đình, vật thờ cúng là búp bê, các hoạt động vi phạm liên quan đến hiện tượng này chưa diễn ra công khai.
Theo Ban Tôn giáo tỉnh, việc thờ cúng búp bê Kuman Thong chủ yếu ở một bộ phận nhỏ người kinh doanh, người buôn bán, thậm chí đã có cả những đối tượng trộm cắp, lừa đảo…
Việc mua bán “Búp bê Kuman Thong” không khó khăn khi hàng chục hội nhóm kín được lập ra trên mạng xã hội chuyên trao đổi, mua bán và chăm sóc “Búp bê Kuman Thong” như “nhóm nuôi và chăm sóc linh nhi - bùa kinh doanh”; “nhóm nuôi Kuman Thong”, “nhóm mua bán bùa”, “hội nuôi và chăm sóc Kuman Thong đúng cách”…
Do lợi nhuận từ việc buôn bán “Búp bê Kuman Thong” không nhỏ, trong khi chất lượng không thể kiểm chứng nên các đối tượng xấu đã cố ý thổi phồng sự thật về “Búp bê Kuman Thong”, buôn bán “Búp vê Kuman Thong” giả, lừa gạt những người cả tin để trục lợi.
Những đồn thổi về quyền năng siêu phàm khiến cho “Búp bê Kuman Thong” là một thứ hàng phi pháp đắt giá, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng tùy vào chất liệu và “năng lực” của mỗi loại. Người thờ “Búp bê Kuman Thong” với nhiều mục đích như tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt); kính ái (tạo tình cảm); tức tai (bảo hộ thân chủ trong trường hợp gặp nguy hiểm, mách trước những chuyện nguy hiểm…)...
Hệ quả từ Kuman Thong
Mới đây, tại chung cư Gold View, đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, một cô gái trẻ 24 tuổi được phát hiện rơi từ tầng 17 xuống đất tử vong. Điều đặc biệt là, cái chết bất thường của cô gái này được cho là có liên quan tới việc nạn nhân nuôi búp bê Kuman Thong trong nhà và yêu thương nó như con đẻ.
Cụ thể trong một tin nhắn gửi tới bạn của mình, cô gái trẻ này tự hào khoe: "Con em ngoan hiền lắm, tình cảm. Em may mắn lắm con mới chọn em để nuôi". Nhưng trong một loạt các tin nhắn khác gửi bạn mình, cô gái trẻ này lại thể hiện sự tuyệt vọng về thế giới này. Thậm chí còn có cảm giác như bị dính vào ma quỷ, bùa ngải gì đó.
"Hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” làm tổn hại kinh tế và nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép ở những người tin theo"
Theo Ban Tôn giáo tỉnh, việc sản xuất, mua bán, sử dụng hiện tượng này nếu không được ngăn chặn kịp thời, để trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội như gia tăng các hoạt động mua bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước những tác hại nguy hiểm của búp bê Kuman Thong, UBND thành phố Vinh đã có công văn gửi các phường, xã nhằm cảnh báo về hoạt động mê tín dị đoan này.
Theo UBND TP Vinh, hoạt động của hiện tượng búp bê Kuman Thong đã vi phạm pháp luật và có những quy định xử lý như: Điều 11, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác năm 2016; Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Luật Đầu tư năm 2014 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
“Thống nhất nhận thức trên cơ sở nhận diện, xác định rõ đây là một loại hình mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật của Việt Nam”
TP. Vinh yêu cầu các phường, xã tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tuyên truyền, lôi kéo, mua bán, sử dụng… liên quan đến “Búp bê Kuman Thong” trên địa bàn.
Đồng thời qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân về bản chất sai trái, biểu hiện cực đoan, hành vi vi phạm và hậu quả của “Búp bê Kuman Thong”, tránh để các đối tượng lợi dụng trục lợi phi pháp.
Chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh việc thờ cúng xác chết trong nhà là đem lại may mắn cho người sống. Hơn nữa đứng ở góc độ văn hóa thì quá trình làm nên những búp bê Kuman Thong là một quá trình vô nhân đạo. Trong Phật giáo không có chuyện yểm bùa. Và việc chế tạo ra một Kuman Thong theo cách truyền thống cũng đã bị cấm tại đất nước Thái Lan.
Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được giao bán đại trà, tràn lan. Không nên bỏ ra một số tiền lớn để mua về những thứ không chắc đã có lợi cho mình. Làm vậy chẳng khác nào tự biến mình thành con mồi béo bở để người khác lợi dụng và kinh doanh phi pháp.