Với vài thìa bột, một chút hương liệu, hòa với nước đun sôi, bạn đã có thể có một cốc sữa đậu nành… như thật. Thứ bột này có thể mua được ở nhiều nơi với giá rẻ bèo. Nhiều trong số đó, có những túi bột không tên tuổi hay nhãn mác.
 
images1176482_sss_1433907375640.jpgHạt đậu nành được quảng cáo là “đậu ta” được phóng viên mua tại chợ Thanh Xuân.Bột kem béo dùng để pha sữa đậu nành ở phố Hàng Buồm (ảnh nhỏ).
 
Bột kem béo+ tinh dầu= sữa đậu nành
 
Trước thông tin sữa đậu nành được pha chế từ bột béo+ hương liệu, chúng tôi đến phố Hàng Buồm- Hà Nội để chứng thực. “Không có bột đậu nành đâu. Tôi thấy người ta hay mua bột kem béo, cho vào vài giọt tinh dầu nành là thành đậu nành”, một chủ hiệu tạp hóa ở Hàng Buồm- nơi được xem là “tổng kho hóa chất thực phẩm” của Hà Nội cho biết. Nói rồi, bà chỉ một dãy các gói bột để trên kệ. Loại rẻ nhất là 35- 40.000đ/nửa kg. Loại gói to, giá bán 80.000đ/kg. Sờ vào vỏ bao, các hạt trắng bên trong lạo xạo như hạt đường. Theo quan sát của phóng viên, các loại bột này có nhãn mác và hạn sử dụng. Mặt trước ghi là “bột kem béo Thái Lan” nhưng phía sau lại ghi là sản phẩm của một công ty từ TP Hồ Chí Minh. Loại rẻ nhất phía trước ghi “bột kem béo Malaysia” nhưng phía sau cũng ghi là sản phẩm của một công ty ở Việt Nam.
 
Khi hỏi về điều này, bà chủ cho biết: “Loại này là của Thái Lan, còn loại này là của Malaysia nhưng một công ty trong nước đóng gói”. “Có loại bột nào rẻ hơn không? Em thấy bà chị giới thiệu có loại bột Đài Loan, màu trắng đục, bán theo cân rẻ hơn nhiều”, tôi thắc mắc. “Có, tôi có thấy mấy cửa hàng bán đấy nhưng ở đây thì không. Cái này đắt hơn tí nhưng một ca khoảng 3-4 lít nước, cho vài thìa nhỏ vào, quấy đều và đun sôi lên, nhỏ thêm giọt tinh chất dầu đậu nành là béo ngậy, thơm lừng mùi đậu nành, tha hồ mà bán nhé”, bà chủ nói. Ở cửa hàng bên cạnh, chúng tôi lân la hỏi mua tinh dầu đậu nành. Ông chủ cho biết, đúng là chỉ có bột kem béo pha ra, cho tinh dầu vào sẽ rất giống sữa đậu nành. Kể cả người sành ăn cũng khó phân biệt được khi nếm thử. Nói rồi, ông vào nhà đưa ra lọ tinh dầu đậu nành. Ông cho biết, giá bán là 70.000đ/lạng. “Nếu mua nhiều thì tôi bớt cho chút ít, còn không thì giá “đét” rồi đấy”.
 
Hoang mang đậu nành Trung Quốc
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, bột kem béo thường được sử dụng trong nhiều món ăn: Làm trà sữa trân châu, cho vào café, vào kem... Tuy nhiên, những loại bột trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang được bày bán khiến nhiều người lo ngại. Để có một cốc sữa đậu nành thứ thiệt, chúng tôi đã đến chợ Thanh Xuân tìm mua hạt đậu nành. Nhân viên cửa hàng MQ ở đây xởi lởi: “Chị vào xem hạt đậu nành nhà em, hàng “ta” hẳn hoi. Một kg đậu giá 40.000đ. Chị đừng tham rẻ mà mua đậu lai, đậu Trung Quốc”. Theo lời của nhân viên này, hạt đậu ta nhỏ, có màu xanh. Còn đậu lai, đậu Trung Quốc có hạt to, tròn và màu trắng. “Một chị làm ở ngân hàng ở gần đây mua đậu nhà em suốt mà. Chị ấy bảo, về xay làm sữa đậu nành thơm, còn đậu lai làm ra sữa nhạt, có mùi hôi hôi, không thể uống nổi”, nữ nhân viên này cho biết.
 
Khi được hỏi về bột béo dùng pha sữa đậu nành, nhiều cửa hàng ở đây lắc đầu cho biết không có. Tuy nhiên, mua đậu nành rẻ thì có nhiều. Loại rẻ nhất chưa đến 30.000đ/kg. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa- Trường ĐHKHTN- ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho rằng, với các thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, rất khó xác định được mức độ nguy hại đến đâu. Giống một số loại tinh chất khác, nếu tinh chất đậu nành được tinh chế đúng quy định, loại bỏ được hết các tạp chất thì khi dùng không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu là hàng trôi nổi, không “sạch” thì rất khó phân biệt được bằng mắt thường. Các tạp chất còn tồn tại trong đó, khi dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cao nhất có thể dẫn đến sỏi thận hoặc ung thư.
 
Được biết, ngoài thông tin sữa đậu nành “rởm”, đậu nành Trung Quốc, nhiều bà nội trợ đang rất lo sợ sau thông tin đa số đậu nành nhập khẩu từ Mỹ về VN là đậu biến đổi gen, gây nguy hại cho người dùng. Chị Ngân Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây chị ăn sáng gần cơ quan, sáng nào cũng thấy một ông chở hàng trăm chai thủy tinh đựng sữa đậu nành đi giao cho các quán. Các chai này đều làm thủ công, không nhãn mác. “Tuy nhiên, nếu đậu biến đổi gen mà làm thành dầu ăn thì không biết dùng gì nữa”, chị Giang lắc đầu ngao ngán. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm (Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam), thực phẩm biến đổi gen được sử dụng gần 20 năm nay. Y văn thế giới chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào mà nó gây ra. Việt Nam hiện cũng có “hàng rào kép” về an toàn sinh học của cây biến đổi gen và vẫn yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm tiếp tục theo dõi nhằm can thiệp kịp thời khi có bất thường xảy ra.
 
Theo Giadinh.net