1. Nhật Bản diễn tập sơ tán tên lửa đề phòng Triều Tiên
Người dân Nhật Bản trong một lần diễn tập sơ tán tránh tên lửa. Ảnh: Guardian Nigeria. Hơn 300 người hôm 22/1 tham gia một cuộc diễn tập sơ tán tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với viễn cảnh một vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên.
Cuộc diễn tập được tổ chức tại Công viên giải trí Tokyo Dome, một ga tàu điện ngầm và một khu trung tâm thương mại.
Với viễn cảnh về một vụ tấn công tên lửa, sẽ có phát loa kêu gọi người dân trú ẩn trong nhà hay đi xuống đường tàu điện ngầm. Tại công viên giải trí, những người quản lí công viên dừng ngay lập tức các hoạt động. Những người tham gia sẽ rời ngay bàn tham quan, bình tĩnh di chuyển đến tầng hầm.
2. Khám xét văn phòng anh trai cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Nguồn: english.hani.co.kr Theo Yonhap, các công tố viên Hàn Quốc ngày 22/1 đã bất ngờ khám xét nơi ở và văn phòng của anh trai cựu Tổng thống nước này Lee Myung-bak, như một phần trong cuộc điều tra cáo buộc ông Lee đã nhận các khoản tiền bất hợp pháp từ Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS).
Cụ thể, các điều tra viên của Văn phòng công tố Quận trung tâm Seoul đã lục soát các cơ sở của ông Lee Sang-deuk, 83 tuổi, để tịch thu bằng chứng bao gồm nhiều tài liệu và ổ cứng máy tính.
3. Malaysia nối lại phiên xét xử Đoàn Thị Hương
Đoàn Thị Hương được cảnh sát áp giải tới tòa. Ảnh: AP Phiên tòa xét xử hai nữ nghi phạm, bị buộc tội giết người được cho là anh trai lãnh đạo Triều Tiên
Kim Jong-un, đã được nối lại sau 7 tuần trì hoãn. Các nhân chứng có mặt để xác nhận tính chân thực của hình ảnh trích xuất từ camera giám sát ghi lại vụ tấn công.
Hãng thông tấn AP đưa tin, các công tố viên tại phiên tòa hôm 22/1 ở Malaysia đã triệu tập 3 kỹ thuật viên làm việc tại sân bay và khách sạn sân bay, để giải thích về việc họ đã trích xuất các hình ảnh về vụ tấn công từ máy chủ và sao chép chúng ra đĩa như thế nào. Điều này cho phép tòa chấp nhận những hình ảnh đó là chứng cứ.
4. Đánh bom xe giữa chợ ở Nam Thái Lan, 21 người thương vong
Khu vực hiện trường vụ đánh bom. Nguồn: The Nation Một vụ đánh bom bằng xe máy vừa xảy ra sáng 22/1 trong một khu chợ ở tỉnh Yala, miền Nam Thái Lan, làm 3 người thiệt mạng và 18 người bị thương.
Thông tin về vụ đánh bom tại chợ ở Thái Lan được phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy An ninh Nội địa (ISOC) cho biết với hãng tin Reuters. ISOC là lực lượng an ninh của chính phủ Thái Lan tại khu vực miền Nam.
Các tỉnh phía Nam Thái Lan có đông người Hồi giáo chủ yếu là Narathiwat, Pattani và Yala là nơi xảy ra cuộc nổi dậy kéo dài của những người Hồi giáo đòi quyền tự trị. Hơn 6.000 người đã thiệt mạng kể từ năm 2004.
5. Người Hàn Quốc biểu tình phản đối Triều Tiên dự Olympic
Hyon Song-wol, trưởng ban nhạc nữ nổi tiếng Moranbong, đến ga tàu Gangneung. Ảnh: Reuters. Các nhà hoạt động do đảng Người yêu nước Hàn Quốc cực hữu dẫn đầu ngày 22/1 đã đốt ảnh lãnh đạo Kim, cờ Triều Tiên và lá cờ thống nhất hai miền trước ga tàu Seoul. Lá cờ Bán đảo Triều tiên Thống nhất dự kiến được sử dụng trong cuộc diễu hành chung giữa hai nước tại lễ khai mạc Thế vận hội tháng tới. Cảnh sát đã can thiệp và dập lửa.
Vụ đốt cờ diễn ra khi một nhóm quan chức Triều Tiên đi từ thành phố Gangneung, Hàn Quốc, đến ga tàu Seoul trong ngày thứ hai của chuyến tiền trạm các địa điểm trình diễn trong dịp Thế vận hội. Đoàn có Hyon Song-wol, trưởng ban nhạc nữ nổi tiếng Moranbong, được ông Kim đích thân tuyển chọn.
6. Lưỡng đảng Mỹ đạt thỏa thuận, chính phủ Mỹ mở cửa trở lại
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tài trợ hoạt động của chính phủ liên bang đến ngày 8/2 với tỷ lệ 81 - 18, sau khi phe Dân chủ đạt thỏa thuận với Cộng hòa về số phận hàng trăm nghìn người nhập cư trẻ tuổi. Dự luật dễ dàng vượt qua Hạ viện với tỷ lệ 266 - 150 và được chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký.
Trong thời gian này, lưỡng đảng Mỹ tiếp tục thương lượng về ngân sách 2018, vốn còn một số bất đồng.
7.
Cựu lãnh đạo Catalonia tuyên bố lập chính quyền mớiCựu lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont phát biểu tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, ngày 22/1. Ảnh: AFP Cựu lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont, 55 tuổi, ngày 22/1 nói sẽ lập chính quyền mới bất chấp "sự đe dọa" từ chính phủ trung ương Tây Ban Nha. Puigdemont đưa ra tuyên bố không lâu sau khi nghị viện Catalonia, thành lập từ cuộc bầu cử hồi tháng 12, vẫn muốn chọn ông làm lãnh đạo vùng tự trị này.
Puigdemont muốn tuyên thệ nhậm chức tại Bỉ, nơi ông sống lưu vong từ cuối tháng 10, sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập, dẫn đến việc Madrid giải tán chính quyền tự trị. Cựu lãnh đạo Catalonia tới Đan Mạch ngày 22/1.
8. Cựu sao bóng đá nhậm chức tổng thống Liberia
Tổng thống Liberia mãn nhiệm Ellen Johnson Sirleaf (trái) trao đổi với người kế nhiệm George Weah trong lễ nhậm chức của ông ngày 22/1. Ảnh: AFP. George Weah, 51 tuổi, tuyên thệ nhậm chức tổng thống Liberia tại sân vận động thủ đô Monrovia ngày 22/1, cam kết trấn áp tham nhũng. Weah từng là tiền đạo tại hai câu lạc bộ AC Milan và Paris St Germain. Ông đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA năm 1995./.