(Baonghean.vn) - Quốc vương Thái Lan băng hà; Nga hoàn tất chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-300 cho Iran, Liên hợp quốc có Tổng thư ký mới; Ứng viên Tổng thống Mỹ đối đầu nảy lửa lần 2,... là những thông tin quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần 10/10-14/10. 

1. Nhà vua Thái Lan băng hà

images1715717_qu_c_v__ng_th_i_lan_bhumibol_adulyadej..jpgQuốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej trút hơi thở cuối cùng chiều 13/10 ở tuổi 88. Thái Lan sẽ để tang nhà vua 1 năm. 

Ông Bhumibol Adulyadej sinh năm 1927 ở Massachusetts, Mỹ, nơi cha ông theo học ngành y, và tuổi thơ của ông hầu như ở Mỹ và Thụy Sĩ. Ông lên ngôi vào ngày 9/6/1946 khi mới 18 tuổi, sau khi anh trai 20 tuổi, quốc vương Ananda Mahidol, bị bắn chết.

Ông đã có công tái tạo tầm ảnh hưởng của hoàng gia Thái Lan suốt 70 năm trên ngai vàng. Với phần lớn trong số 68 triệu người dân, ông được xem là nguồn lực cho sự thống nhất, là trụ cột của sự ổn định trong suốt khoảng thời gian nhiều biến động của đất nước.

2. Nga hoàn tất hợp đồng chuyển giao S-300 cho Iran

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.

Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời cơ quan quản lý xuất khẩu vũ khí của Nga cho biết, Nga đã hoàn tất chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran theo hợp đồng trị giá khoảng 900 triệu USD ký năm 2007. Trước đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, Nga cũng đã chuyển giao một nửa số hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran.

Hợp đồng S-300 được ký kết năm 2007, theo đó Nga cung cấp cho Iran 5 sư đoàn tên lửa S-300 PMU-1 với 40 ống phóng. Tuy nhiên, đến tháng 9/2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã hủy hợp đồng hợp đồng này để tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm cung cấp các loại vũ khí thông thường cho Iran.

Phía Iran sau đó đệ đơn kiện lên Tòa án trọng tài ở Geneva, Thụy Sĩ đòi Nga bồi thường gần 4 tỷ USD vì vi phạm hợp đồng.

Tháng 4/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Tehran sau khi Iran và các cường quốc thế giới đạt thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran. Iran cũng đã rút lại đơn kiện Nga.

3. Liên Hợp quốc chính thức có Tổng thư ký mới

Ông Antonio Guterres - Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Ông Antonio Guterres, Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, chính thức trở thành Tổng Thư ký thứ 9 của LHQ và tiếp quản vị trí này từ Tổng Thư ký Ban Ki-moon từ đầu năm 2017.

Trải qua 7 vòng bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, ông Guterres - Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha,chính thức được Đại hội đồng LHQ nhất trí bằng hình thức vỗ tay. Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã ca ngợi ông Antonio Guterres là một lựa chọn tuyệt vời. Ông là niềm hy vọng giúp giải quyết những vấn đề an ninh và bất ổn của thế giới hiện nay.

Ông Guterres, 67 tuổi, từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha giai đoạn 1995-2002 và sau đó trở thành người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn suốt 10 năm qua. Ông cũng là người thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Phát biểu khi được bầu chọn, ông Guterres cho biết dù trước mắt còn rất nhiều việc phải giải quyết nhưng ông sẽ đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, nạn nhân chiến tranh và đói nghèo.

4. Đối thoại trực tiếp nảy lửa lần 2 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ trong cuộc đối thoại.

Đúng 8h sáng (giờ Việt Nam) thứ Hai ngày 10/10/2016, cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 2 giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đã bắt đầu tại trường đại học Washington ở St.Luis, Bang Missouri.

Cũng giống như lần “khẩu chiến” đầu tiên, cuộc quyết đấu lần 2 đã kéo dài 90 phút. Tuy nhiên, khác với lần trước, ngoài những câu hỏi do người điều phối đưa ra, hai ứng viên còn phải trả lời các câu hỏi của khán giả tham dự chương trình. Những khán giả theo dõi trực tiếp chương trình đều là những cử tri cam kết chưa quyết định bỏ phiếu cho ứng viên nào, được lựa chọn bởi Viện thống kê Gallup (Mỹ).

Mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời và thêm 1 phút để thảo luận về vấn đề mà người điều phối đưa ra. Cuộc tranh luận lần này do 2 nhà báo: Anderson Cooper (người dẫn chương trình của kênh truyền hình CNN) và Martha Raddatz (kênh truyền hình ABC) điều phối. 

5.  Mỹ tấn công phiến quân Yemen

Tàu khu trục USS Mason của Mỹ bi nhắm bắn ba lần trong 2 ngày.

Mỹ tấn công vào ba vị trí có radar trong khu vực phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen, đáp trả việc một tàu khu trục của nước này suýt trúng tên lửa hai lần.

Tàu khu trục USS Nitze phóng các tên lửa hành trình Tomahawk tấn công ba vị trí radar ven biển trong khu vực phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen vào khoảng 4h00 ngày 13/10, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Dựa trên đánh giá ban đầu, Lầu Năm Góc thông báo các mục tiêu đã bị phá hủy.

Đợt tấn công, được Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép, là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên của Washington nhằm vào khu vực phiến quân Houthi kiểm soát trong cuộc xung đột ở Yemen.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN