1. Phó Tổng thống Mỹ thị sát căn cứ tên lửa trên đường tới dự Olympic
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AFP. KTVA 11 News, chi nhánh của đài CBS News tại Alaska, Mỹ, ngày 5/2 đưa tin Phó tổng thống Mike Pence sẽ tới thăm căn cứ đánh chặn tên lửa Fort Greely tại bang này trước khi tới Hàn Quốc dự Thế vận hội Mùa đông.
Ông Pence dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc. Bố của sinh viên Otto Warmbier, người qua đời vào năm 2017 sau khi được Triều Tiên trả tự do, cũng có mặt trong phái đoàn với tư cách khách mời của Phó tổng thống Mỹ.
Căn cứ Fort Greely ở Alaska được trang bị 44 tên lửa, là nơi đầu tiên phóng đạn đánh chặn bất cứ tên lửa đạn đạo nào đe dọa nước Mỹ, được coi như lá chắn phòng thủ đáng tin cậy của nước này trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
2. Khánh thành tượng đài Bức tường Đình chiến Olympic PyeongChang
Bức tường Đình chiến Olympic tại Làng Olympic PyeongChang ngày 5/2. Nguồn: Yonhap/TTXVN Ngày 5/2, tượng đài Bức tường Đình chiến tượng trưng cho tinh thần hòa bình đã được khánh thành tại Làng Olympic PyeongChang.
Lễ khánh thành có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Tomas Bach, Trưởng Ban tổ chức PyeongChang Lee Hee-beom, cùng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn quốc Do Jong-hwan.
Họa tiết trên bức tường này do họa sỹ Yi Je-seok người Hàn Quốc thiết kế, lấy cảm hứng từ thông điệp hòa bình của Giáo hoàng Francis rằng việc xây dựng những cây cầu, chứ không phải là những bức tường, sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân trên thế giới.
3. Nhật Bản phản đối cờ Olympic in hình quần đảo tranh chấp
Lá cờ sử dụng trong trận giao hữu giữa đội khúc côn cầu nữ liên Triều với đội Thụy Điển. Nguồn: Kyodo Ngày 5/2, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đã trao công hàm cho phía Hàn Quốc phản đối nước này sử dụng lá cờ cho trận giao hữu giữa đội khúc côn cầu nữ liên Triều với đội Thụy Điển trước đó một ngày có in hình ảnh quần đảo tranh chấp trên Biển Nhật Bản.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo không thể chấp nhận lá cờ này dựa trên quan điểm của Nhật Bản về chủ quyền của quần đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo, nhấn mạnh "đây là một việc làm rất đáng tiếc."
4. Nga cảnh báo về các biện pháp trả đũa trừng phạt đối với Mỹ
Ảnh minh họa. Nguồn: kataeb.org Reuters đưa tin phát biểu với tờ Izvestia trong một cuộc phỏng vấn ngày 5/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moskva vẫn còn các biện pháp đáp trả mà nước này có thể tiến hành nhằm vào Mỹ trong cuộc chiến trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước.
Ngày 30/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo Kremlin
bao gồm danh sách những cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington. 5. Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên sang Hàn Quốc
Ông Kim Yong Nam, sinh năm 1928, được bầu làm chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao - cơ quan lập pháp cao nhất của Triều Tiên kể từ năm 1998. Ảnh: UPI. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đã cử ông Kim Yong Nam - chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) - dẫn đầu đoàn cấp cao sang tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc.
Tối 4/2, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đoàn Triều Tiên sẽ có 22 người, gồm thêm 3 đại biểu và 18 nhân viên hỗ trợ.
Đoàn do ông Kim dẫn đầu sẽ đến Hàn Quốc vào thứ Sáu (9/2), đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông và lưu lại trong thời gian 3 ngày. Triều Tiên trước đó đã đồng ý gửi các đoàn biểu diễn nghệ thuật và thi đấu môn khúc khôn cầu tại thế vận hội chung với Hàn Quốc.
6. Rò gas nhà máy thép ở Trung Quốc, 8 người chết
Nhà máy của công ty sắt thép Thiều Quan ở thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: baike.so.com. Vụ rò rỉ gas xảy ra vào 3h sáng 5/2 tại nhà máy Songshan của công ty sắt thép Thiều Quan, làm ít nhất 8 người thiệt mạng và 10 người bị thương, AP dẫn thông tin do chính quyền thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, đăng trên mạng xã hội.
Chiến dịch cứu hộ và khắc phục vẫn đang diễn ra. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến gas rò rỉ.
Trung Quốc đã có những tiến triển đáng kể trong việc cải thiện an toàn công nghiệp nhưng hàng năm, nước này vẫn xảy ra các tai nạn tại nhà máy, mỏ than, mạng lưới giao thông làm hàng chục người chết.
7. Trực thăng quân sự lao xuống nhà dân ở Nhật Bản
Trực thăng AH-64 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons. Vụ việc xảy ra ngày 5/2 tại thành phố Kanzaki, tây nam Nhật Bản. Trực thăng gặp nạn được cho là AH-64, thuộc căn cứ ở tỉnh Kumamoto.
"Một trực thăng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) rơi xuống một khu vực dân cư trong lúc hạ cánh. Một ngôi nhà bốc cháy", Katsuhide Tanaka, quan chức chính quyền địa phương nói với AFP. Hiện chưa rõ thương vong trong tai nạn.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết có hai người trên trực thăng. Sở cứu hỏa địa phương đã triển khai 14 xe cứu hỏa, ba xe cấp cứu tới hiện trường.
8. Hà Lan tuyên bố chính thức rút đại sứ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlstra. Nguồn: hurriyetdailynews.com Ngày 5/2, Hà Lan thông báo chính thức rút đại sứ nước này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ từ chối cho phép Ankara cử đại sứ tới nước này trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống một mức thấp mới.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlsra cho biết hai nước vẫn chưa thể nhất trí về cách thức bình thường hóa quan hệ bất chấp các cuộc thương lượng mới đây.
Do vậy, Chính phủ Hà Lan quyết định chính thức rút đại sứ nước này tại Ankara, người đã không được phép vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 3/2017.