Dự thảo nêu rõ, Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ bảo trì đường bộ trung ương (Quỹ trung ương) và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ bảo trì đường bộ địa phương (Quỹ địa phương).
Nguồn kinh phí của Quỹ trung ương, gồm: Ngân sách trung ương cấp từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (65% số dự toán thu); ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí của Quỹ địa phương, gồm: Ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước (35% số dự toán thu); ngân sách địa phương cấp bổ sung cho Quỹ địa phương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Quỹ bảo trì đường bộ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước theo quy định; hàng năm việc lập kế hoạch, phân bổ, giao kế hoạch và quản lý, thanh toán, quyết toán thu - chi Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.
Quỹ bảo trì đường bộ phải công khai tình hình quản lý, sử dụng Quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính theo quy định.
Dự thảo cũng đề xuất về nội dung chi kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ gồm: Chi bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ; chi sửa chữa định kỳ công trình đường bộ; chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tại nạn giao thông hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông đường bộ); chi hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và lưu động, gồm: Chi phí hoạt động thường xuyên, chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa, kiểm định thiết bị; sửa chữa, nâng cấp nhà trạm); chi mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo trì đường bộ…
Theo Khánh Linh/chinhphu.vn