(Baonghean) - Nếu chẳng có anh chị tôi thuyết minh tường tận, chắc chẳng bao giờ tôi nhận ra cái thành phố Vinh bé nhỏ mà tôi đã gắn bó tự thuở còn nằm nôi. Xa quê hương sau 21 năm, tôi đã trở về trong vòng tay của những người thân! Sau phút giây cảm xúc đầy nước mắt lúc anh chị em, chú cháu gặp nhau ở sân bay, tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi những hình ảnh về Vinh hôm nay. Ngạc nhiên về sự thay đổi đến kì lạ của quê hương!

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

 » Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
 

Đâu rồi những con đường đất cát bụi ngoằn ngoèo gió Lào hầm hập của những trưa hè nắng đổ chang chang? Đâu rồi những hàng cây bàng lá đỏ, phượng vĩ rực rỡ, mỗi độ hè về ve kêu râm ran ngõ phố, sân trường? Đâu rồi những bụi tre giữa lòng thành phố của tuổi thơ tôi?

Một đám cưới qua thành cổ Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Đâu rồi những cái ao nhỏ – được sinh ra từ một thời đạn bom, mà thuở nào tôi từng câu cá? Đâu rồi những mái nhà tranh đơn sơ ân tình? Đâu rồi những bóng dáng chiếc xe đạp Thống Nhất, Phượng Hoàng mà ngày đó chúng tôi “cày” trên mọi nẻo đường thành phố Vinh thân yêu? Đâu rồi quán cháo lươn bà Lương (khu phố 4) mùi thơm ngào ngạt?

Đâu rồi cái chợ Vinh với kiểu cách nửa tỉnh, nửa quê ồn ào mỗi chợ phiên? Đâu rồi cái rạp chiếu bóng Cửa Đông mà thi thoảng chúng tôi tạt vào xem những bộ phim “hot” thời đó: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ván bài lật ngửa”, “Tắt đèn”,…?

Đâu rồi Nhà hát Nhân dân dọc đường về Bến Thủy mà tuổi thơ chúng tôi ngày còn đá bóng đường phố thường lẻn vào “xem hôi ca nhạc? Đâu rồi cây cầu Cửa Tiền mong manh với hai cột trụ lừng lững, nơi có xóm 3 toàn nhà tranh vách nứa mà thuở ấu thơ mỗi khi nghe ca Huế vẫn thấy lòng man mác nhớ làng vạn chài bên sông. 

Vinh của tôi bây giờ hiện đại, mới mẻ và cả choáng ngợp, xô bồ… Tôi như đang đi lạc bước trên những con đường của Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Không. Vinh đó. Thành phố đã trở mình thay da đổi thịt thật sự! Nhà cao hàng chục tầng chót vót, nhà 4, 5 tầng như đan cửi. Cửa hiệu, hàng quán nhan nhản sáng đèn với những bảng quảng cáo sặc sỡ đủ các loại. Công sở hoành tráng. Ga Vinh, Bến xe Vinh… cũng khác hẳn ngày xưa.

Cảnh mua bán ở chợ Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Hàng cây xanh ven đường cắt tỉa gọn gàng bắt mắt. Đường phố rộng mở thênh thang và nhiều hơn trước. Xe máy đủ loại sắc màu, nội có, ngoại có nườm nượp phố xá. Rồi cơ man là ô tô, xe sang, xe xịn đủ cả.  

Vinh bây giờ chẳng còn bóng dáng là Vinh của tôi hơn 20 năm về trước. Thậm chí đã có lúc tôi không dám nghĩ tới chuyện tìm lại những căn nhà của bạn bè tôi ngày xưa. Bởi điều này là vô cùng khó khăn, những dấu vết năm tháng cũ đã nhòa theo thời gian. Thật là một điều khó tưởng tượng nổi!

Đúng như bạn bè ở nước ngoài sau khi trở về Việt Nam đã sang nói chuyện với tôi: “Ông mà về quê chắc sẽ ngạc nhiên nhiều lắm! Đi lâu như vậy giờ quay về lớ ngớ khác gì như anh nhà quê ra tỉnh?” Lúc đó tôi còn cười nhạo: “Hừm, Vinh với tớ có nhắm mắt cũng tìm ra nơi cần tìm! “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy” có nơi nào mà không có dấu chân tôi?”

Mấy đứa bạn học hồi lớp 9, 10… khi hay tin tôi về nước đã tổ chức một bữa gặp mặt rôm rả, ôn cố tri tân. Xem ra, đứa nào cũng chững chạc và cũng đã lên ông lên bà! Bọn nó cũng trêu tôi: Ông bây giờ về Vinh thì khác chi người hành tinh sao Hỏa thăm trái đất?

Anh trai tôi bảo: “Vinh bây giờ là thành phố cấp 1 rồi, mở rộng ra thêm mấy xã của hai huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên lân cận…”. Hèn chi. Nhiều đường phố lạ quá. Đường ngang dãy dọc như bàn cờ, khác xưa nhiều lắm. May quá, vẫn còn đó lũ học trò mê bóng đá đường phố giống chúng tôi thuở ấu thơ. Tiếc là chưa có dịp vào sân vận động thành phố để xem đội bóng Sông Lam Nghệ An thi đấu.  Chắc chẳng còn những tấm gỗ to bè thuở nào làm ghế cho khán giả mà mỗi mùa lũ lụt về là bọn trẻ học trò chúng tôi làm bè đánh trận giả!

Chị tôi thì cười nói: “Cậu lâu quá giờ mới về, Vinh thay áo mới rồi em ơi!” Đơn cử như quảng trường Hồ Chí Minh sừng sững rộng rãi thênh thang choán cả tầm mắt… Rồi núi Chung mô phỏng phía sau tượng đài Bác Hồ cũng là một công trình với bao công sức. Câu lạc bộ Lao động, khu nhà chung cư Quang Trung, rạp chiếu bóng 12/9… nép mình khiêm tốn bên những tòa nhà cao tầng thuộc hàng em út, nhưng “hậu sinh khả úy”.

Một điều mà tôi dễ nhận thấy là cuộc sống của người dân đã được nâng cao hơn nhiều. Bữa ăn hàng ngày đỡ khổ hơn trước. Hình như cái ăn cái mặc không còn là những điều băn khoăn thường trực hàng ngày như thuở tôi còn ở nhà. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người dân thực sự lo lắng xoay sở hàng ngày khi mà đồng lương hãy còn ở mức thấp. 

Khu chung cư Quang Trung mùa lá rụng. Ảnh: Viết Sơn

Sự đổi thay như lột xác đã làm cho bộ mặt thành Vinh quê tôi đẹp hẳn lên. Dòng sông Lam vẫn hiền hòa trôi chảy lững lờ như bao đời nay vẫn chảy… Cầu Bến Thủy đã có thêm “đứa em” bên cạnh tuy rằng nó không hoành tráng như “anh của nó”, bởi theo nhận xét riêng của tôi: Sao ta không làm thêm cái thành cầu sóng lượn vừa đẹp vừa đảm bảo an toàn cho xe cộ hơn nhỉ?

Tổ quốc ta chưa bao giờ đẹp thế! Lòng tôi vẫn dâng trào bao cảm xúc khó nói khi đếm từng bước lên bậc thềm của Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ… trên núi Quyết!

Khi cùng mấy đứa bạn thân từ hồi còn học lớp 9, 10 ở cấp 3 Vinh lúc đứng kính cẩn nghiêng mình trước tượng Vua Quang Trung (bên cạnh là thân phụ và thân mẫu) trong chính điện, trong tôi đã dấy lên bao điều suy nghĩ về ông. Tôi cứ nghĩ giá như ngày đó ông sống thêm vài chục năm nữa thì lịch sử rất có thể đã khác. Vinh hẳn đã là một kinh đô mới của đất nước. Tiếc rằng ông đã ra đi quá đột ngột để lại bao dang dở nghiệp cơ đồ. 

…Rảo bước rong ruổi trên những con đường thênh thang của thành Vinh hôm nay sau bao năm xa cách vì mưu sinh ở xứ người mà lòng tôi dâng tràn bao cảm xúc dạt dào khó nói…

Võ Hoài Nam

(Việt kiều tại Matxcơva - Liên bang Nga)

TIN LIÊN QUAN