Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù phải đối mặt với những khó khăn, những phiền muộn kéo dài dằng dặc, thậm chí nhấn chìm cả những khát vọng lớn lao, thì trong mỗi trang sách của các nhà văn nữ, vẫn luôn là một thế giới khác. Đó là thế giới mang lại niềm hy vọng, mở ra những ô cửa lớn cho tâm hồn con người. Chủ tịch Hội Nhà văn cũng khẳng định các tác giả nữ đã đề cập đến nhiều vấn đề gai góc trong xã hội, đã thể hiện tình thương yêu con người, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua đã có nhiều tác phẩm văn thơ ra đời, phản ánh chân thực diễn biến cuộc sống.

“Văn chương có sứ mệnh hàn gắn tâm hồn con người. Những nhà văn, nhà thơ nữ đã làm rất tốt vai trò ấy. Với bản chất của người phụ nữ là kiên nhẫn, bao dung, vị tha và nhân hậu, họ đã truyền tải tất cả những đức tính ấy vào trang viết. Có những tác giả nữ có hoàn cảnh khó khăn, là mẹ đơn thân, gặp nhiều nghịch cảnh, nhưng họ không than trách số phận hay chỉ trích xã hội. Trang viết của họ vẫn lành lặn, đẹp đẽ, lan tỏa những điều tích cực” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Sự dấn thân mới mẻ, đột phá của những cây bút nữ ảnh 1

Các nhà văn nữ tham dự Tọa đàm "Nhà văn nữ Sống, viết và hy vọng".

Tại buổi tọa đàm, những người tham dự được lắng nghe các tham luận và chia sẻ tâm huyết của các nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà thơ nữ. Đa phần những chia sẻ của họ, dù được tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng đều cho thấy sự nghiêm túc trong lao động văn chương, sự hy sinh thầm lặng và năng lượng sáng tạo rất đáng được trân trọng.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, các tác giả nữ chính là chất men nồng say, lan tỏa hương thơm trong đời sống xã hội nhờ những câu chuyện được họ kể, những vấn đề họ gợi lên. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng điểm lại những cái tên nổi bật, những người góp phần tạo nên diện mạo cho văn học Việt Nam từ những bậc “trưởng lão” trong làng văn như Nguyệt Tú, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh , Thanh Hương; những cây bút kỳ cựu như Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thị Trường, Lê Minh Khuê, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, đến những người trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Đỗ Bích Thúy… Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, các nhà văn, nhà thơ nữ đã dùng trí tuệ để tạo ra những tác phẩm vừa thấm đẫm cảm xúc, vừa giàu giá trị tư tưởng. Ông Bùi Việt Thắng khẳng định: “Nói đến “văn chương mang gương mặt nữ” là nói đến khả năng điều hòa tinh thần - đạo đức xã hội, là năng lực nhân đạo hóa, thuần hóa những nỗi đau của con người. Đừng nghĩ văn chương của phái đẹp chỉ cần mềm mại, tinh tế là đủ. Không khó để chúng ta nhận ra trí tuệ mẫn tiệp của các tác giả nữ. Có những “chuyện thường ngày ở huyện” lại lấp lánh một triết lý nào đó về cuộc đời, về con người”.

Với nhà phê bình Đỗ Anh Vũ, với văn thơ nữ, tình mẫu tử luôn là vấn đề được quan tâm. Sáng tác của các chị đi vào những vấn đề cụ thể, chi tiết hơn nam giới. Nhà văn nữ gửi gắm vào con chữ những tâm tư, tình cảm của mình, ở đó có sự day dứt, có tâm sự và cũng có cả những kinh nghiệm sống… trao gửi cho những đứa con. Và những trang viết của họ luôn để lại những rung cảm ấm áp. Nhà lý luận phê bình Vũ Nho đánh giá, các nhà văn nữ đã dấn thân và đóng góp vai trò rất quan trọng cho công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Sáng tác có thể dựa vào năng khiếu, tài năng trời cho, nhưng lý luận phê bình đòi hỏi một quá trình dài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Do đó, mảnh đất lý luận phê bình trước đây thường thấy nhiều cây bút là nam giới, song, chúng ta đã thấy ngày càng có nhiều nhà phê bình nữ vô cùng sắc sảo, có thể kể đến Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Chu Thị Thơm…”.

Chia sẻ về những sáng tác nữ, nhà văn, nhà lý luận phê bình Trần Thị Trâm cho rằng, văn học nữ có những đặc sắc riêng. Ở sáng tác của họ có sự khác ở điểm nhìn nghệ thuật, cách tiếp cận thế giới. Họ hay viết về những điểm rất khác trong tình yêu, cuộc sống. Ví dụ ở thơ, thường hay viết về sự cô đơn, sự dịu dàng với những câu thơ chạm vào trái tim người đọc. Văn thơ nữ có nhiều đóng góp cho văn học đương đại, tuy nhiên, để có những tác phẩm đỉnh cao, văn thơ nữ cần phải đổi mới, cần có tính triết lý nhân sinh sâu sắc./.