(Baonghean) - Sau khi trở thành Tổng thống đắc cử của nước Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã bắt tay vào việc sắp xếp đội ngũ nhân sự và danh sách nội các tương lai với việc bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Cộng hòa Reince Priebus làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng và ông Steve Bannon làm Cố vấn Cấp cao và Chiến lược. Trong khi việc bổ nhiệm ông Priebus chỉ gây đôi chút ngạc nhiên, thì với Bannon lại khác: Bnhiều người phản đối, thậm chí phẫn nộ và yêu cầu ông Donald Trump rút lại đề cử này.
Canh bạc liều lĩnh
Năm nay 62 tuổi, Steve Bannon nổi tiếng là người có tư tưởng cực hữu, tôn sùng người da trắng và không thích hiện tượng nữ quyền trỗi dậy. Tiếp quản tờ Breitbart News năm 2012 sau khi người sáng lập Andrew Breitbart qua đời, chính ông Bannon cũng thừa nhận, tờ Breitbart có quan điểm nền tảng của cánh hữu. Không những vậy, ông Steve Bannon còn được cho là có quá ít kinh nghiệm chính trường.
Từng có thời gian phục vụ trong Hải quân Mỹ, sau đó theo học Trường Kinh doanh tại Đại học Havard, ông Bannon được biết đến nhiều hơn qua các vụ mua lại và sáp nhập đình đám của Goldman Sachs. Bởi vậy, khi ông Steve Bannon được bổ nhiệm làm Giám đốc Chiến dịch tranh cử của tỷ phú Donald Trump hồi giữa tháng 8, nhiều người cho rằng ông Trump đang chơi một “canh bạc liều lĩnh”.
Thế nhưng, đến nay, không ai có thể phủ nhận vai trò của ông Steve Bannon trong chiến thắng lịch sử của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nếu người tiền nhiệm là Paul Manafort đã gượng ép ông Trump tuân thủ các quy tắc tranh cử truyền thống, thì với Bannon, ông Trump được tự do làm theo “bản năng” như thường lệ. Những phân tích về chiến thắng của ông Trump sau này đã cho thấy sự đóng góp rất lớn của truyền thông.
Theo đó, vào thời điểm báo chí gây áp lực với Trump về những phát ngôn gây sốc - rất có thể được ông Bannon “bật đèn xanh”, họ không ngờ điều đó đã nâng ứng viên Đảng Cộng hòa lên một bậc. Chiến thắng của ông Donald Trump tại bang chiến trường Wisconsin là ví dụ điển hình nhất cho “tài thao lược” của Steve Bannon.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử, Bannon nhận thấy rằng, bà Hillary Clinton có cách tiếp cận với nhóm người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Phi và những người da trắng trưởng thành quanh mốc thời gian năm 2000 không mạnh mẽ như ông Obama hồi năm 2012. Ông tin rằng, nếu ông Trump nắm được điểm yếu này để tấn công vào tầng lớp những người lao động da trắng, Trump có thể chiến thắng ở Wisconsin - nơi có truyền thống bầu cho ứng viên của Đảng Dân chủ suốt từ năm 1980.
Và ông đã đúng khi kết quả cho thấy, ông Trump chiến thắng với tỷ số sát nút 47,9% so với 46,9% của bà Clinton. Ông Donald Trump đã chiến thắng trong “canh bạc liều lĩnh” một lần, vậy có lý do gì để ông từ chối cuộc chơi lần thứ hai khi chọn Bannon vào vị trí Cố vấn cấp cao và chiến lược?
Số 2 thực quyền
Thông cáo báo chí về việc bổ nhiệm hai vị trí đầy quyền lực tại Nhà Trắng có nói rằng ông Reince Priebus và Steve Bannon sẽ có “vai trò ngang nhau”. Song giới phân tích đều nhận định rằng, ông Steven Bannon mới là nhân vật số 2 thực sự ở Nhà Trắng với tiếng nói có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông Donald Trump.
Ngày 6/11/2008, một ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Barack Obama chỉ thông báo một vị trí duy nhất: Rahm Emanuel đảm nhận vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Toàn bộ đội ngũ nhân viên của Nhà Trắng sẽ phải báo cáo với Emanuel, kể cả các cố vấn chính trị như David Axelrod.
Ngay cả trong Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George Bush, với một vị Chánh văn phòng Nhà Trắng được đánh giá thiếu năng lực như Andy Card, người có quyền lực nhất trong đội ngũ cố vấn là Karl Rove cũng vẫn phải báo cáo công việc với ông Andy Card. Việc ông Donald Trump phá bỏ tiền lệ để bổ nhiệm hai vị trí ngang bằng tại Nhà Trắng là một sự ám chỉ rằng, dưới thời đại Trump, Bannon sẽ là người đứng đầu trong những “vị trí ngang bằng”.
Giống như trong “canh bạc lần thứ nhất” của ông Donald Trump, lần này, ông Steve Bannon cũng đang khiến giới chính trị gia ở Mỹ phải xôn xao. Một ngày sau khi công bố lựa chọn Steve Bannon, các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống đắc cử rút lại quyết định này.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ và các nhóm chính trị cánh tả tại Mỹ cho rằng khuynh hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới của ông Steve Bannon có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đoàn kết nước Mỹ mà ông Trump đã tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên sau khi chiến thắng. Ngay cả những nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng tỏ ra khá e ngại trước quyết định bổ nhiệm này của ông Donald Trump: "Tư tưởng cực hữu và phân biệt chủng tộc đang ở trước ngưỡng cửa Phòng Bầu dục. Nước Mỹ từ nay cần phải thận trọng và cảnh giác trong bất cứ quyết định nào" - John Weaver, thành viên Đảng Cộng hòa, cố vấn thống đốc bang Ohio nói.
Trong khi Donald Trump đã bắt tay vào việc sắp xếp đội ngũ nhân sự và danh sách nội các tương lai thì các cuộc biểu tình phản đối của người dân Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố ở New York. Nhưng giờ đây, làn sóng biểu tình đã lan vào chính nội các của ông. Người ta đang chờ đợi Steve Bannon - với tư cách “nhân vật số 2 của Nhà Trắng” - sẽ giúp ông Trump vượt qua sóng gió như thế nào?
Thúy Ngọc