(Baonghean) Sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, quê tôi đã có lớp trai trẻ náo nức theo tiếng gọi Cụ Hồ, Nam tiến và sang Lào kháng chiến. Các anh rộn rã lên đường hát "Cùng nhau đi hồng binh", lớp nhi đồng chạy theo ngước lên núi Giăng Màn đến khi không bước nổi nữa. Những ngày sau đó, cả làng rộn tin vui ta thắng trận phá đồn Na Pê diệt nhiều giặc Pháp.
Lớp nhỏ chúng tôi đã nhận biết trong cuộc sống sớm tối lam lũ của cả dân làng, hầu như ai cũng thường đưa mắt ngóng vọng dõi theo những hướng các anh trai làng đã đi xa... Qua mùa Đông, rồi đến mùa Xuân 1946, không rõ từ ai đem đến nhưng bỗng cả làng đều biết anh Huy, người con trai của Giáo sư Lê Thước (dạy học ở Trường Quốc học Vinh) đã hy sinh ở Lào, khi hộ tống Hoàng thân Xuphanuvông qua sông vượt vòng vây giặc Pháp. Nỗi buồn thấm sâu trong làng xóm, nhưng qua chuyện kể vẫn hiện rõ vẻ tự hào, cảm phục trước hành động gan góc, lẫm liệt của người trai quê nhà Lê Thiệu Huy trên đất nước Lào gần gũi, là liệt sỹ đầu tiên của quê hương, dòng họ trước ngày toàn quốc kháng chiến. Anh cũng từng là học sinh Trường Quốc học Vinh, vào bộ đội thuộc đơn vị liên quân Lào - Việt, hoạt động hướng Đường 8, Đường 9 từ năm 1945.
Từ trái sang: Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch CHDCND Lào; đồng chí Lê Thương, Chính ủy đoàn chuyên gia VN ở Lào (1960-1963); Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào Kayxỏn phômvihản. (Ảnh tư liệu của Ban liên lạc CCB Mặt trận Bình Trị Thiên).
Qua thời nhỏ đến lúc là bộ đội ở Bắc, ở Nam, ở Lào, trong tôi vẫn luôn sống dậy hình ảnh đẹp đẽ các anh trai trẻ quê nhà nối tiếp chống Pháp, chống Mỹ hy sinh cho Tổ quốc. Một lần ở Hà Nội, thời kỳ giặc Mỹ mở rộng đánh phá thủ đô, tôi may mắn tìm được nhà Giáo sư Lê Thước và càng xúc động biết bao khi được đọc bức thư của Hoàng thân Xuphanuvông gửi giáo sư:
Phathet Lào
Độc lập - Thống nhất - Phú Cường
... Thưa Ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của Ngài mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu, mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sỹ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào.
Tinh thần hy sinh cao cả đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào luôn luôn bền bỉ chiến đấu để giết đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước.
Ngày 21/3/1946, vì lực lượng quân ta ít, không đủ chống đỡ với một lực lượng mạnh lớn, tinh nhuệ hơn của giặc Pháp được quân Anh giúp sức, Thà Khẹt bị thất thủ. Tình thế nguy ngập, tôi và một số anh em trong chính quyền cùng với anh Lê Thiệu Huy xuống xuồng vượt sông Mê Kông sang Xiêm để tạm lánh. Đang phăng phăng vượt khỏi cơn hiểm nguy, tôi quay lại thì than ôi! Anh Lê Thiệu Huy đã trúng đạn rồi, chỉ kịp thốt ra mấy câu khe khẽ rồi tắt thở. Mấy phút sau, tôi cũng bị trúng đạn. Xuồng vào đến bờ, anh em đem anh Huy lên và tổ chức mai táng.
Đứng trước thi hài anh Huy có đông đủ mặt anh em Việt Kiều và người Lào ở Xiêm thăm viếng và tỏ lòng mến tiếc!
Ngày 21/3, kỷ niệm cái chết anh dũng của anh Huy, là ngày căm hờn của toàn nhân dân Lào và riêng gia quyến Ngài.
Đến đây, tôi xin thành thật cảm ơn Ngài và chúc quý quyến luôn luôn mạnh khỏe!
Chữ ký của Hoàng thân và dân của Chính phủ kháng chiến Lào.
Mới đây, có dịp sang Thái Lan thăm nơi Thầu Chín - Bác Hồ từng sống, vận động tổ chức hoạt động cách mạng cứu nước (1929-1930) tại bản Na Chọoc, tỉnh Na Khon Pha Nom, lúc trở về qua sông Mê Kông sang Thà Khẹt, tôi càng bồi hồi khôn xiết hình dung nơi nào đây giữa dòng nước cuốn năm 1946, có chuyến xuồng xuyên trong máu lửa của Hoàng thân Xuphanuvông, các đồng chí bộ đội Pathét Lào và người chiến sỹ - liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam Lê Thiệu Huy sớm hiến trọn cuộc đời góp nên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, liên minh chiến đấu son sắt Việt - Lào
Tôi bày tỏ nỗi niềm với các đồng chí cùng đi, có cả bạn Lào và người dân Lào, dân Thái trên chuyến phà lớn. Có đĩa hoa Chăm pa và hoa Huệ mang theo trước, lúc đó tất cả cùng thả hoa trắng xuống sông nước Mê Kông, tưởng nhớ liệt sỹ Lê Thiệu Huy và bao đồng đội đã hy sinh anh dũng.
Giữa Thà Khẹt chiến đấu ngày xưa và hôm nay đang đổi mới phát triển náo nhiệt với bên kia sông là nơi Bác Hồ từng sống, phải chăng nơi đây cũng chính là nơi còn lưu đậm dấu tích chói sáng của những chiến sỹ liên quân Việt-Lào, để từ đó cùng khởi nên tên gọi thân thương, trìu mến: Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội Nhà Phật đi mãi với thời gian, đến tận bây giờ!