Những con số kỷ lục
Bất chấp suy thoái kinh tế và những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, chi tiêu quốc phòng năm 2020 ở các nước châu Á vẫn ở mức gần bằng năm 2019. Theo báo cáo mới nhất của Military Balance thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2020 ở mức 1,83 nghìn tỷ USD, con số này chỉ “thấp hơn một chút” so với năm 2019. Châu Á cũng nằm trong xu hướng này. Trong khi đó, với năm 2021, mức tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm, song với riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có sự tăng đáng kể. Từ Nhật Bản đến Trung Quốc, Ấn Độ hay Australia, các thông báo mới đây đều cho thấy, chính phủ các nước đang “dốc sức” ưu tiên cho chiến lược về quân sự, quốc phòng thông qua những con số đáng chú ý.
Tại kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 13 của Trung Quốc, dự thảo ngân sách quốc phòng của nước này dự kiến sẽ vào khoảng 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 210 tỷ USD) trong năm 2021, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Chi tiêu quân sự Trung Quốc được báo cáo nhằm “hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang, giúp sức mạnh quân sự đồng hành với tăng trưởng kinh tế”. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái, mức thấp nhất suốt 20 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại với Mỹ. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng trở thành một cường quốc quân sự.
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một dự án sâu rộng nhằm biến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thành lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới, ngang hàng với quân đội Mỹ. Ông đã ra lệnh đầu tư vào công nghệ và các nhà máy đóng tàu. Theo tình báo Hải quân Mỹ, năm 2015, Hải quân Trung Quốc có 255 tàu chiến nhưng con số này vào cuối năm 2020 đã lên đến 360 chiếc và dự kiến sẽ lên 400 chiếc trong 4 năm nữa. Lực lượng tác chiến hải quân Trung Quốc cũng đã tăng hơn gấp ba lần chỉ trong vòng hai thập kỷ. Andrew Erickson, Giáo sư Đại học Hải quân Mỹ, viết trong một bài báo hồi tháng 2 vừa qua nhận định: “Tàu chiến của Trung Quốc ngày càng tinh vi, có năng lực”. Còn Thomas Shugart, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận xét: Từ năm 2014 đến 2018, Trung Quốc đã hạ thủy tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ nhiều hơn so với số tàu hiện đang phục vụ trong lực lượng hải quân của Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. “Với tốc độ đóng tàu hải quân, và với những tàu chiến mới hơn, tôi cho rằng Trung Quốc đã tiến bộ từ hải quân phòng thủ bờ biển thành lực lượng hải quan mạnh nhất trong khu vực”, ông Shugart đánh giá.
Cùng với Trung Quốc, các nước mạnh về quân sự khác trong khu vực cũng không “đứng yên”. Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga mới đây đã nhất trí đề xuất mức tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lần thứ 9 liên tiếp. Theo đó, ngân sách cho quốc phòng năm 2021 của Nhật Bản sẽ ở mức kỷ lục, gần 52 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2020. Mục tiêu của “đất nước Mặt trời mọc” là phân bổ nguồn lực chế tạo chiến đấu cơ tàng hình mới và mua tên lửa chống hạm tầm xa. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Tokyo đang trên đà chuyển biến để đạt được khả năng tấn công ngăn chặn trước các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài.
Tương tự, Ấn Độ cũng gia tăng chi tiêu quốc phòng cho giai đoạn 2021-2022. Trong ngân sách được công bố vào tháng 2/2021, chi tiêu quân sự của nước này đã tăng nhẹ từ 4,71 nghìn tỷ rupee cho giai đoạn 2020-2021 lên 4,78 nghìn tỷ rupee cho giai đoạn 2021-2022. Australia cũng dự tính sẽ chi hơn 2% GDP của nước này cho quốc phòng giai đoạn 2021-2022.
“Sóng ngầm” chạy đua vũ trang
Cùng với kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, ngoại giao, sức mạnh quân sự là một tiêu chí quan trọng nhằm xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Một số nước lớn phát triển sức mạnh quân sự, nhất là vũ khí tối tân, tạo ưu thế tuyệt đối, nhằm bảo vệ vị thế siêu cường, tranh giành lợi ích chiến lược hay răn đe “đánh đòn phủ đầu”. Có nhiều ý kiến cho rằng, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng đột biến trong thập kỷ qua nhưng có thể bị đảo ngược do hậu quả của đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cứ nhìn vào bức tranh ngân sách quốc phòng của các nước lớn ở châu Á năm ngoái và năm nay, có thể thấy suy đoán này hoàn toàn sai lầm.
Thực tế này cho thấy những khó khăn, thách thức trước mắt như Covid-19 không làm ảnh hưởng đến những chiến lược dài hạn của các quốc gia trong việc khẳng định vị thế của mình. Những nguy cơ chung từ dịch bệnh không khiến các nước gắn kết hơn, thấu hiểu hơn mà ở góc độ bao trùm, sự ganh đua, cạnh tranh và dè chừng lẫn nhau còn đang lớn dần lên. Điều này đồng nghĩa với môi trường an ninh khu vựcđang dần xấu đi khi các quốc gia đối thủ muốn dùng sức mạnh quân sự như một vũ khí răn đe đối phương.
Hiện nay, môi trường an ninh chính trị khu vực tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn và thách thức. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc bị các nước trong khu vực coi là sự đe dọa và vì vậy hàng tỷ đô la đã được ném vào trang bị vũ khí mới nhằm tạo ra sự cân bằng lực lượng. Ngoài ra, một yếu tố tác động khác là nhiều nước châu Á đang ngày càng có tiềm lực về kinh tế, có khả năng tự trang bị cho mình các phương tiện bảo hộ nhằm tránh lệ thuộc vào những “chiếc ô” của các đồng minh lớn. Điều này cũng thúc đẩy các nước đổ tiền vào trang bị quân sự, quốc phòng… Thực tế này dẫn đến việc, nếu các nước ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự quá mức cần thiết, tiếp tục gây lo ngại cho các nước khác, vô hình trung tạo ra một vòng tròn kích thích “cuộc đua” vũ trang.
Giới quan sát cho rằng, để tránh khỏi một cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt như vậy, gây bất ổn an ninh toàn cầu, giải pháp tối ưu là phát huy vai trò của các cơ chế đa phương, các cơ chế kiểm soát, giám sát đa phương và sự cam kết ràng buộc trách nhiệm của các nước theo các công ước, hiệp ước đã ký. Vai trò của đối thoại, ngoại giao cũng là hình thức quan trọng nữa giúp đẩy lùi những cơn “sóng ngầm” chạy đua vũ trang.