Thanh Giang là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra mức đáng báo động.

Để khắc phục tình trạng đó người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ từng tấc đất như kè, đắp, trồng tre, cắm lau sậy nhưng không thể kìm được sông "nuốt" đất.

Xã Thanh Giang hiện có hơn 70ha đất bãi bồi phù sa dọc bờ sông Lam. Trong mấy năm gần đây, vùng sạt lở kéo dài hàng chục mét. Nhiều chỗ biến thành những vách đất dựng đứng cao từ 2 - 3m chênh vênh, mỗi đợt sóng mạnh là từng tảng đất lại đổ sập xuống sông.

bna_van_ly_sat_lo_dat_thanh_chuong5945181_10102018.jpgBãi bồi dọc sông Lam của xã Thanh Giang (Thanh Chương) bị sạt lở lớn. Ảnh: Văn Lý
Ông Nguyễn Đình Bình, một người dân ở xóm Lam Dinh, xã Thanh Giang, lo lắng: Khi tôi còn nhỏ thì bờ sông cách nhà chúng tôi cả gần cây số. Bây giờ bờ sông chỉ cách nhà khoảng vài chục bước chân. Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nay đất bị nước cuốn trôi, chúng tôi vô cùng lo lắng.

Theo ông Trần Hữu Sỹ - Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Giang, những năm gần đây, mỗi mùa mưa lụt trên địa bàn xã lại  bị mất từ 5 - 10ha đất. Nguyên nhân đó, bên cạnh sự tàn phá của thiên tai còn có nguyên nhân do tàu thuyền khai thác cát sạn trên sông ngày càng nhiều...

Cũng theo người dân xã Thanh Giang phản ánh, họ thường xuyên thấy một số xà lan lớn đến đây khai thác cát sạn trái phép.
Nhiều xà lan hút cát sạn ngang nhiên hút ngay tại chân bờ sông Lam gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Văn Lý

Không riêng gì xã Thanh Giang, theo lãnh đạo xã Thanh Yên hiện toàn xã có 80 ha đất bãi bồi ven sông Lam và sau trận lụt vừa qua đã sạt lở khoảng 24ha. Xã Thanh Hà cũng bị sạt lở gần 10 ha. Nguy cơ nông dân ở dọc bãi bồi mất hết đất sản xuất gần như hiện hữu...

Trước thực trạng sạt lở bờ sông Lam, người dân Thanh Chương mong muốn huyện và các ngành chức năng khẩn trương  sớm có giải pháp "cứu" đất sản xuất nông nghiệp trước khi quá muộn.