Vì sao bóng đá có sự cuốn hút vô tận, gây nên tình yêu vô bờ bến như vậy của người hâm mộ? Câu trả lời ở chính sự hấp dẫn của trái bóng tròn, của những cuộc đua không bao giờ có điểm dừng, của bầu trời rộng lớn luôn được thắp sáng bởi những ngôi sao lớn, nhỏ, bởi sự vào cuộc của truyền thông khiến câu chuyện về bóng đá luôn thu hút tâm trí người xem, người đọc. Và vui thay, ngay cả lực lượng cổ động viên cũng xuất hiện rất nhiều “ngôi sao” lừng lẫy trên khán đài, theo đó tỏa sáng vô vàn hình ảnh thú vị, hấp dẫn và thu hút với chính người hâm mộ gần xa.
Nền bóng đá phát triển nằm ở chất lượng của các giải đấu, trong đó có sự tập hợp của các ngôi sao, của các ông thầy giỏi và sự quan tâm theo dõi của khán giả hâm mộ trên toàn cầu. Ví dụ giải ngoại hạng Anh đang được xếp vào giải đấu hấp dẫn và chất lượng số 1 thế giới, là bởi mỗi trận đấu, mỗi cặp đấu luôn được thu hút bởi rất nhiều “đích” đến của CLB, từng cầu thủ, cổ động viên, bài hát về CLB…
Ở đó sẽ là thông tin về trận đấu thứ bao nhiêu, tỉ lệ hòa-thắng-thua như thế nào; là trận đấu thứ bao nhiêu của từng cầu thủ, bàn thắng thứ bao nhiêu của chân sút này; trong quá khứ từng có chi tiết, sự kiện gì đáng nói; trận đấu này mọi người dừng mặc niệm tưởng nhớ ngôi sao nào, tri ân ngôi sao nào, mời ngôi sao trong lĩnh vực nào đến khai mạc, ngôi sao nào đến hát…Vô vàn điều thu hút sự chú ý, dõi theo của khán giả từ trong một trận đấu đã nói lên “chất lượng” của giải là như vậy đấy!
Trong khu kỹ thuật của giải ngoại hạng từ lâu đã là nơi trình diễn tài nghệ của những chiến lược gia hàng đầu thế giới, như Ferguson (Scotland), Scolari (Brazil), Ancelotti, Conte, Sari, Raniari.. (Italia), Klopp và Tuchel (Đức), Benites, Pep Guardiola (Tây Ban Nha), Hiddink, Van Gaal (Hà lan), Mourinho (Bồ Đào Nha)… Họ đã đưa Man U, Man City, Leverpool, Chelsea… lên đỉnh giải ngoại hạng, lên đỉnh châu Âu nhưng trong cuộc đua chóng mặt ấy, không ai có thể ngồi yên thụ hưởng thành quả bởi họ luôn bị đối thủ tiến kịp, bắt bài và vượt qua, dù là Ferguson hay Mourinho, Klopp hay Pep. Hội chứng mùa thứ 3 và câu chuyện với Chelsea của Mourinho là ví dụ điển hình… Tất cả đều nói rằng, giải ngoại hạng Anh là giải chất lượng và không ngừng phát triển. Mọi kỷ lục sẽ lập tức bị vượt qua. Mọi kỹ, chiến thuật hôm nay là phù hợp, hoàn hảo, mùa tới sẽ là lạc hậu, bỏ đi…
Nhưng vẫn có những điều không thay đổi, hoặc chỉ thay đổi theo chiều hướng tốt lên, hay hơn mà thôi. Đó là tình yêu của người hâm mộ dành cho đội bóng “ruột” thân yêu của mình. Người hâm mộ mua vé theo mùa, sẵn sàng đến sân cùng đội bóng khi thi đấu thăng hoa, cũng như khi gặp khó về lực lượng, thậm chí xuống hạng. Họ sẵn sàng ủng hộ CLB nếu giá vé tăng, đi theo CLB ra nước ngoài để cổ vũ, làm mọi việc để cổ vũ CLB hoặc ngược lại sẽ phản đối đến cùng nếu “ông bầu” làm điều gì đó trái với truyền thống, thế mạnh của CLB. Có nghĩa họ “sống, chết” với đội bóng thân yêu, không điều gì có thể làm họ thay đổi, dù có việc sang tên, đổi chủ hay bất cứ việc gì khác
Là để quay về với chuyện cổ động viên SLNA và những thăng trầm không tránh khỏi của một đội bóng sinh ra và lớn lên trên quê nghèo. Vì những điều kiện riêng, SLNA là đội bóng duy nhất, là “con một” (dù có mùa có thêm đội Quân khu 4), được nuôi nấng, “cưng chiều” mà thực ra là “bố, mẹ” nghèo suốt những năm tháng lớn khôn, trưởng thành. Ở Vinh chưa nhiều trận derby cùng thành phố, nếu có thì chỉ là derby Thanh- Nghệ hoặc Nghệ-Tĩnh và đối thủ sàn sàn như nhau, ít có tham vọng nên chất lượng còn hạn chế, khó thu hút được khán giả. Vẫn chỉ có một bộ phận khán giả ruột trận nào cũng đi theo đội bóng. Mượn được xe là vui, còn không thì tự bỏ tiền ra đi cổ vũ…
Chỉ mong sao, nước lên thuyền lên, SLNA lại được củng cố về mọi mặt, thi đấu hay mọi nhẽ. Lực lượng cổ động viên từ đó mà mọi nhẽ đều hay, như cách người hâm mộ nơi nơi thể hiện. Mong lắm, một ngày không xa, một mùa không xa…